Thời sự
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Xây dựng nông thôn mới phải lấy cộng đồng làm gốc
Minh Thắng - 17/07/2023 19:32
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị xây dựng các không gian sinh hoạt cộng đồng, dạy nghề, văn hóa, chuyển đổi số, ngoại ngữ… lấy cộng đồng làm gốc trong xây dựng nông thôn mới.

Vượt kế hoạch 3 năm

Ngày 17/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. 

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. 

Báo cáo sơ kết tình hình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, cho biết, Chương trình Mục tiêu quốc gia quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có mục đích cụ thể hóa, đưa các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, góp phần cải thiện diện mạo nông thôn và cơ cấu lại nông nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Trong giai đoạn này, tư duy kinh tế nông nghiệp, phát huy đa giá trị nông nghiệp, nông thôn được chú trọng phát triển. Đây chính là bước chuyển mình quan trọng trong chỉ đạo để giúp gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Cũng theo ông Ngô Trường Sơn, trong 3 năm đầu triển khai đã đạt được một số kết quả tích cực: Hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình đã được ban hành đầy đủ, kế hoạch vốn đầu tư được giao cho các địa phương.

Nhờ việc triển khai bài bản, toàn diện mà Chương trình đã vượt kế hoạch 3 năm trong bối cảnh đại dịch Covid-19. 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương cao nhất trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. 

Ngoài ra, công tác phối hợp triển khai giữa Bộ NNPTNT với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần hoàn thành 100% nhiệm vụ được đề ra bởi Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị xây dựng các không gian sinh hoạt cộng đồng, dạy nghề, văn hóa, chuyển đổi số, ngoại ngữ… lấy cộng đồng làm gốc trong xây dựng nông thôn mới (nông thôn mới).

Huy động được 1.752.000 tỷ đồng thực hiện Chương trình

Về tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình, ông Ngô Trường Sơn cho hay, từ năm 2021 đến nay, đạt khoảng 1.752.000 tỷ đồng. 

Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đóng vai trò “vốn mồi”, hỗ trực trực tiếp thực hiện Chương trình chiếm khoảng 1,2%; ngân sách địa phương các cấp khoảng 9,9%; Vốn lồng ghép từ các chương trình MTQG, các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn khoảng 8,1%; vốn doanh nghiệp, HTX, tổ chức kinh tế khoảng 4,0%; người dân và cộng đồng đóng góp tự nguyện khoảng 2,8% và lớn nhất là nguồn vốn tín dụng khoảng 74,1%.

Cụ thể, trong năm 2021, cả nước huy động được khoảng 602.603 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình, trong đó: Ngân sách Trung ương (chi thường xuyên): 1.000 tỷ đồng (chiếm 0,2%); vốn ngân sách địa phương: 54.531 tỷ đồng (9,0%); lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác: 39.190 tỷ đồng (6,5%); doanh nghiệp: 20.975 tỷ đồng (3,5%); cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp: 15.847 tỷ đồng (2,6%) và Tín dụng: 471.058 tỷ đồng (78,2%).

Năm 2022, theo số liệu báo cáo của các địa phương, đến tháng 12/2022, cả nước huy động được khoảng 744.723 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình (tăng 24% so với năm 2021), trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí trực tiếp cho Chương trình khoảng 73.992 tỷ đồng (9,9%).

Cụ thể, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ là 11.000 tỷ đồng (chiếm 1,4%), vốn đối ứng từ ngân sách địa phương đã bố trí thực hiện Chương trình khoảng 62.993 tỷ đồng (chiếm 8,5%); lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác: 53.238 tỷ đồng (chiếm 7,1%); từ doanh nghiệp là 34.881 tỷ đồng (chiếm 4,7%); cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp 21.392 tỷ đồng (chiếm 2,9%) và tín dụng 561.220 tỷ đồng (chiếm 75,4%).

Năm 2023, theo số liệu báo cáo của các địa phương tính đến tháng 6/2023, cả nước huy động được khoảng 404.618 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình.Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí trực tiếp cho Chương trình khoảng 64.470 tỷ đồng (16%).

Cụ thể, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ là 9.210 tỷ đồng (chiếm 2,3%); vốn đối ứng từ ngân sách địa phương đã bố trí thực hiện Chương trình khoảng 55.260 tỷ đồng (chiếm 13,7%); lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác: 48.690 tỷ đồng (chiếm 12%); doanh nghiệp là 14.242 tỷ đồng (chiếm 3,5%); cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp là 12.071 tỷ đồng (chiếm 3%) và tín dụng 256.145 tỷ đồng (chiếm 65,5%).

Từ nguồn lực đó, đến nay trên cả nước đã có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,3% so với cuối năm 2020). Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã. Có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 90 đơn vị so với cuối năm 2020 (chiếm khoảng 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).

Hiện có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 7 địa phương so với cuối năm 2020), trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tuy vậy, còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế, trong đó kinh phí cho công tác lập các đồ án quy hoạch  khá lớn, nhất là đối với các xã trong việc lập quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn để đáp ứng yêu cầu thực hiện tiêu chí theo quy định của Trung ương. 

Đồng thời, chất lượng nhiều đồ án quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội nông thôn và gắn với quá trình đô thị hoá.

Cùng với đó, mặc dù số xã đạt nông thôn mới tăng 11,3% so với cuối năm 2020 nhưng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn giữa các vùng miền. Điển hình như khu vực miền núi phía Bắc chỉ có 47,7% số xã đạt nông thôn mới. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí môi trường, thu nhập

Phát biểu Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Hội nghị này là cơ hội để các ban, ngành xem những gì đã làm được và chưa làm được. Từ đó tìm giải pháp, đưa ra sáng kiến, mô hình cho địa phương làm. Mỗi lãnh đạo cần xác định lại hiệu quả của mục tiêu chương trình quốc gia, phát triển cần gắn kết với công tác bảo tồn văn hóa làng xã.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, người nông dân trước giờ vẫn luôn chủ động gia tăng sinh kế, cải thiện đời sống, vì vậy Nhà nước cần quan tâm xây dựng nền tảng kỹ thuật, hạ tầng, kiến thức, để người dân có thể tận dụng tối đa nguồn lực. Đồng thời tham khảo, học tập các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan có nhiều chính sách, mô hình khuyến khích phát triển làng xã.

“Xây dựng nông thôn mới là cách mạng về tư duy nhằm nâng cao năng lực cộng đồng, nâng cao vị thế người nông dân. Đây là việc không dễ làm vì không có thước đo, không phải việc dễ dàng thành công ngay trước mắt”. Do đó, Bộ trưởng ủng hộ cán bộ có tiếp cận thực tiễn, đi về địa phương sinh hoạt cộng đồng để hiểu đời sống của bà con đang thiếu những gì, cần bổ sung những gì.

Bộ trưởng đề nghị xây dựng các không gian sinh hoạt cộng đồng, dạy nghề, văn hóa, chuyển đổi số, ngoại ngữ… Đây là tư duy lấy cộng đồng làm gốc, kêu gọi sáng kiến từ địa phương đẩy mạnh sản xuất, du lịch, khuyến nông, san sẻ gánh nặng và đồng hành cùng tham gia quản lý, xây dựng nông thôn mới bền vững, lành mạnh.

Caption ảnh

Cả nước có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên

Hiện nay trên cả nước đã đánh giá, phân hạng được 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao; 32,2% sản phẩm 4 sao; 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận). Đã có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là hợp tác xã, 24,4% là doanh nghiệp, 34,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài; đồng thời, được một số bộ, ngành sử dụng làm quà tặng đại biểu trong các hội nghị của ngành.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc nhở, xây dựng nông thôn mới không chỉ là nâng cấp cơ sở vật chất khang trang mà còn là bảo tồn giá trị văn hóa, di sản. Các tỉnh cần coi giá trị nông thôn như di sản, tài sản quý giá, từ đó xây dựng chiến lược du lịch làng nghề, nông thôn, bảo vệ và phát huy văn hóa. 

Điển hình là 10.000 sản phẩm đặc sản đạt 3 sao OCOP trở lên, không nên chỉ dừng lại ở chấm thi và xếp hạng, mà phải thật sự đưa giá trị đến cộng đồng. Bộ trưởng cho biết, phía người tiêu thụ chưa có tư duy tôn trọng và trải nghiệm hương vị địa phương. 

Vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh, phát triển thương hiệu không thể làm một chiều. Cần xây dựng hệ sinh thái sản phẩm OCOP, mời các chuyên gia và tổ chức trưng bày sản phẩm, dùng triết lý sản phẩm để kể câu chuyện cho văn hóa vùng miền, truyền thống làng xã Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác