Biểu tượng của OPEC tại trụ sở ở Vienna, Cộng hòa Áo. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu trên đài CNBC hôm 28/3, Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), ông Suhail Al Mazrouei, cựu Chủ tịch Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, gọi chung là OPEC+, cho biết không quốc gia nào có thể sánh được với sản lượng dầu mỏ của Nga.
Bộ trưởng Suhail Al Mazrouei cũng cho rằng, giới chính trị không nên phân tâm khỏi nỗ lực quản lý thị trường năng lượng của liên minh này.
Ông Suhail Al Mazrouei khẳng định tại Diễn đàn Năng lượng Toàn cầu thường niên lần thứ sáu do Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) tổ chức tại Dubai rằng: "Luôn như vậy, Nga sẽ là một phần của liên minh đó (OPEC+) và chúng ta cần tôn trọng họ".
"OPEC+, khi họ trao đổi với chúng tôi, họ cũng cần phải trao đổi với cả Nga", ông Suhail Al Mazrouei đề cập đến các cuộc đàm phán của liên minh này với các nhà nhập khẩu năng lượng.
Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã kêu gọi các quốc gia tăng sản lượng dầu mỏ hơn nữa để ứng phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giá dầu tăng cao kỷ lục kể từ sau khi Nga tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuy nhiên, Bộ trưởng Suhail Al Mazrouei cho rằng dầu mỏ của Nga sẽ đóng vai trò quan trọng và khó thay thế trong việc giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Những bình luận của Bộ trưởng UAE xuất hiện sau khi các đồng minh phương Tây tỏ ra lo ngại rằng việc các nước nhập khẩu năng lượng từ Nga đang gián tiếp trợ giúp "hòm chiến tranh" của Tổng thống Vladimir Putin.
"Vậy ai có thể thay thế Nga ngày nay? Tôi không thể nghĩ ra một quốc gia nào có thể trong 1, 2, 3, 4 hoặc thậm chí 10 năm có thể thay thế nguồn cung 10 triệu thùng dầu. Điều đó không thực tế", ông Suhail Al Mazrouei nói.
Được dẫn dắt bởi Ả Rập Xê-út và Nga, liên minh OPEC+ có khả năng tăng nguồn cung ra thị trường và hạ nhiệt giá dầu thô đã tăng vọt lên hơn 100 USD/thùng gần đây.
"Chúng tôi nhất trí với mục tiêu của họ nhằm cố gắng làm dịu và cân bằng thị trường", ông Suhail Al Mazrouei cho biết. "Họ đang làm điều gì đó nhưng lại trông mong phản ứng ngược lại và điều đó sẽ không xảy ra", Bộ trưởng Mazrouei nói thêm.
Các bộ trưởng năng lượng của OPEC cùng các đồng minh của tổ chức này dự kiến sẽ có cuộc gặp trực tuyến vào ngày 31/3 để quyết định các bước đi tiếp theo trong chính sách sản lượng. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh OPEC+ đang chịu áp lực mới về tăng nguồn cung dầu mỏ sau khi các Bộ trưởng năng lượng của nhóm các nước G7 cho rằng OPEC "có vai trò quan trọng" trong việc xoa dịu căng thẳng thị trường dầu mỏ.
"Chúng tôi kêu gọi các nước sản xuất dầu mỏ và khí đốt hành động có trách nhiệm và xem xét lại năng lực của họ trong việc tăng cường giao hàng cho quốc tế, đặc biệt là những nhà sản xuất chưa hoạt động hết công suất", các Bộ trưởng năng lượng G7 nêu trong một tuyên bố chung gần đây.
OPEC+ đang trong quá trình giải quyết việc cắt giảm nguồn cung kỷ lục khoảng 10 triệu thùng/ngày mà liên minh này đã áp dụng từ tháng 4/2020 để cứu vãn thị trường khi đại dịch Covid-19 làm "đóng băng" nhu cầu dầu thô.
Trong quyết sách gần đây nhất, OPEC+ vẫn giữ nguyên mức tăng sản lượng thêm 400.000 thùng mỗi ngày trong tháng, bất chấp các nước nhập khẩu nhiều dầu mỏ gia tăng áp lực buộc liên minh này phải tăng sản lượng khai thác để hạ nhiệt giá dầu và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Hiện OPEC đóng góp khoảng 40% nguồn cung dầu mỏ thế giới.