Thời sự
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 5 việc cần phải làm để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ
Hà Nguyễn - 23/12/2019 09:48
Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 5 giải pháp để giải quyết căn cơ các tồn tại, hạn chế của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Nghe bài viết này tại đây :
Your browser doesn’t support HTML5 audio
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng  phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sáng 23/12.

Có 3 điểm sáng của khu vực doanh nghiệp Việt Nam đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra khi phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sáng 23/12.

Đó là tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; chuyển dịch cơ cấu quy mô và ngành nghề có bước chuyển biến tích cực, số doanh nghiệp có quy mô vừa tăng lên và doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ có xu hướng giảm; mức độ linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến lớn và được các tổ chức có uy tín trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, những điểm yếu cũng đã được chỉ ra. Chẳng hạn, dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng số doanh nghiệp đóng cửa, dừng hoạt động cũng cao; còn thiếu vắng doanh nghiệp quy mô lớn và vừa; năng lực khoa học - công nghệ còn hạn chế…

“Các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; mới chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam là rất nhiều”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận.

Đứng trước thực tế này, với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 5 giải pháp để giải quyết căn cơ các tồn tại, hạn chế này.

Thứ nhất, cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp nhằm hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. 

“Sản phẩm của những doanh nghiệp này cần được coi là sản phẩm quốc gia, thành công của những sản phẩm chủ lực này cũng chính là sự thành công của quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và khẳng định, các doanh nghiệp lớn này cần có “một sợi dây”, “một cơ chế liên kết lại với nhau” để tạo ra sức mạnh tổng hợp; trở thành cơ chế đóng góp và xây dựng chính sách; đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sân chơi lớn tầm quốc tế; thảo luận những bài toán phát triển, hợp tác lớn với các tập đoàn xuyên quốc gia,…

Đồng thời, theo Bộ trưởng, chính lực lượng doanh nghiệp này sẽ đóng vai trò đầu tầu dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia và các mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, đưa doanh nghiệp Việt Nam lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị toàn cầu. 

“Chính phủ khuyến khích, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp Việt Nam liên kết, tạo khối thống nhất, có chiều sâu, hỗ trợ lẫn nhau trong đầu tư, kinh doanh, cùng tạo nên sức mạnh, tên tuổi và thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm và kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ hai, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạnh lần thứ 4 để tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo. Từ đó tạo nên các ngành chủ lực quốc gia, tạo ra các sản phẩm được làm bởi các doanh nghiệp Việt Nam; phát triển bởi con người Việt Nam; tạo thành xu hướng chuyển dịch từ “Made in Vietnam” tiến tới “Made by Vietnam”.

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề giỏi, kiến thức chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp. 

Thứ tư, cần tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là việc đảm bảo quyền đối với nhà đầu tư cần tiếp tục được tăng cường để ngày càng khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh, không hình sự hóa các hoạt động kinh tế nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Và cuối cùng, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chính cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất - kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế; tăng cường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong sản xuất - kinh doanh, đặc biệt các công nghệ lõi có tính tiên phong…

“Các giải pháp cần bảo đảm tính tổng thể, toàn diện, giải quyết cả vấn đề trước mắt và lâu dài, huy động được sự tham gia của tất cả các bên liên quan, các cơ quan của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp cũng cần có những suy nghĩ trăn trở cùng với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước, vươn ra thị trường thế giới, tạo lập và khẳng định thương hiệu của chính doanh nghiệp, từ đó, xây dựng thương hiệu quốc gia.

Tin liên quan
Tin khác