Thời sự
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chưa phân bổ thỏa đáng cho các dự án ưu tiên, lan tỏa
Hà Nguyễn - 27/09/2017 17:34
Để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ phải xây dựng quy hoạch tổng thể theo hướng tích hợp và quy hoạch này phải đi trước một bước, mà các kế hoạch huy động, phân bổ nguồn lực cho phát triển vùng cũng phải theo hướng ưu tiên các dự án trong quy hoạch tích hợp. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Lập quy hoạch tổng thể Vùng theo hướng tích hợp phải đi trước một bước

Phát biểu tại Hội nghị Phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đang diễn ra tại Cần Thơ, sau khi chủ trì hai phiên thảo luận về “Quy hoạch tổng thể theo hướng tích hợp Vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” và “Cơ chế huy động, phân bổ, quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho phát triển Vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, phải xây dựng quy hoạch tổng thể theo hướng tích hợp cho toàn khu vực.

“Việc lập riêng rẽ nhiều quy hoạch, thiếu liên kết, thiếu tầm nhìn; không gắn với khả năng cân đối nguồn lực, thiếu tính khả thi; chất lượng quy hoạch kém sẽ gây khó khăn trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, cản trở việc đầu tư, sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân, gây lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực của đất nước”, Bộ trưởng khẳng định. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sau thảo luận, các nhà khoa học, các chuyên gia đều thống nhất rằng, biến đổi khí hậu đối với ĐBSCL đã và đang diễn ra ngày càng nhanh hơn, khốc liệt hơn so với dự báo trước đây; tác động lớn đến phát triển bền vững của Vùng ĐBSCL, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân trong Vùng. Đây là vấn đề có tính chất liên ngành, vượt qua phạm vi của một ngành, ranh giới hành chính của một địa phương.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tuy nhiên, các chương trình dự án, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp đã và đang được thực hiện theo góc nhìn riêng rẽ của từng bộ ngành, địa phương, còn thiên về ứng phó cục bộ; không dựa trên việc xem xét tổng thể về không gian, thời gian, liên ngành, liên vùng. Thậm chí, chỉ riêng quy hoạch đã lập cho vùng ĐBSCL đã lên tới hơn 2.500 quy hoạch; riêng cấp vùng có tới 22 bản quy hoạch. Bên cạnh đó, các quy hoạch cấp vùng cũng được lập theo các phạm vi không gian khác nhau, gồm phạm vi toàn vùng ĐBSCL (13 tỉnh, thành phố), vùng kinh tế trọng điểm (4 tỉnh, thành phố) và vùng biển, ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan. 

“Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi phải xử lý các vấn đề một cách tổng thể dựa trên bản quy hoạch vùng theo hướng tích hợp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng một lần nữa khẳng định. 

Theo Bộ trưởng, việc lập quy hoạch tích hợp này phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng sự vận hành tự nhiên của hệ sinh thái và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, thay thế cho quan điểm ứng phó, chống chọi, can thiệp sâu vào quy luật tự nhiên, làm huỷ hoại môi trường và hệ sinh thái.

“Phải coi nước, đất và đa dạng sinh học là ba trụ cột chính để phân vùng hợp lý; coi kinh tế biển là một động lực quan trọng cho sự phát triển của Vùng. Đồng thời, xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, làm cơ sở để phát triển các lĩnh vực công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ…”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, việc lập quy hoạch tổng thể Vùng theo hướng tích hợp phải đi trước một bước và làm tiền đề cho việc xác định các ưu tiên phát triển, cũng như các chương trình, dự án cụ thể. 

Ưu tiên nguồn lực cho các dự án trong quy hoạch tích hợp

Trong khi đó, liên quan đến việc huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực cho phát triển vùng ĐBSCL, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp và thấp hơn nhiều so với nhu cầu phục vụ cho các mục tiêu phát triển của đất nước, Bộ trưởng cho rằng, phải ưu tiên nguồn lực cho các dự án trong quy hoạch tích hợp.

Hiện nay, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, ngân sách nhà nước đã dự kiến phân bổ cho các dự án đầu tư phục vụ cho các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL là khoảng 90.800 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhu cầu tối thiểu cho Vùng để khắc phục các thiệt hại gây ra bởi biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng chống chịu đối với các tác động cực đoan của biến đổi khí hậu trong giai đoạn này là 105.000 tỷ đồng. Đấy là còn chưa tính đến nhu cầu đầu tư khoảng 43.000 tỷ đồng cho các dự án thủy lợi, cấp nước, xử lý nước thải được xác định là “không hối tiếc” theo Kế hoạch Châu thổ (MDP).

Nguồn lực đã có hạn song việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực lại đang còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, chưa phân bổ thỏa đáng cho các nhiệm vụ, các chương trình dự án cần được ưu tiên làm trước, có tác động lan tỏa, lâu dài đến sự phát triển bền vững của vùng. Chưa tôn trọng nguyên tắc “không hối tiếc” - ưu tiên thực hiện trước những hành động ít rủi ro, sai lầm mà khó có điều kiện sửa chữa.

Thậm chí, nhiều địa phương chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của vấn đề biến đổi khí hậu đối với tương lai của vùng, coi việc đầu tư cho các dự án biến đổi khí hậu là trách nhiệm của Trung ương.

Đề xuất các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020, chỉ có duy nhất một địa phương trong vùng đề xuất sử dụng nguồn vốn này cho dự án thủy lợi.

Một bất cập khác, đó là việc lựa chọn dự án đầu tư không xuất phát từ quy hoạch, dẫn đến dàn trải, lãng phí nguồn lực. Do chồng chéo trong các quy hoạch hiện nay, nhiều dự án đầu tư mới chỉ giải quyết vấn đề của từng ngành, từng địa phương mà thiếu sự tính toán đến tác động tổng thể lên toàn Vùng, tác động đến các ngành khác, địa phương khác.

Điều này làm giảm hiệu quả đầu tư của vùng. Chưa kể hiện nay, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cũng chưa có một cơ chế phù hợp, hiệu quả để thu hút được nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào Vùng ĐBSCL, đặc biệt là các dự án liên quan trực tiếp đến ứng phó biến đổi khí hậu. Đầu tư theo phương thức PPP cũng còn nhiều bất cập. Việc thu hút các dự án BOT giao thông trong vùng đã góp phần nâng cao sự liên kết giữa các địa phương nhưng, mặt khác lại làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh, qua đó, giảm năng lực cạnh tranh của vùng.

 “Vì vậy, cần xác định nguồn lực để phát triển bao gồm tài nguyên thiên nhiên, con người và nguồn lực tài chính. Huy động nguồn lực trước tiên phải xuất phát từ chính nội tại Vùng ĐBSCL thông qua việc tái cơ cấu các ngành kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của Vùng và thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. 

Cũng theo Bộ trưởng, việc xác định nhu cầu đầu tư phải dựa trên quy hoạch tổng thể của vùng ĐBSCL, đồng thời là cơ sở để huy động, phân bổ và quản lý hiệu quả nguồn lực phục vụ phát triển vùng một cách bền vững. Phải ưu tiên thỏa đáng đáng từ nguồn ngân sách trung ương cho các công trình quan trọng, cấp bách ứng phó biến đổi khí hậu.

“Trước mắt, phải xác định các dự án ưu tiên trên cơ sở quy hoạch tích hợp và kiến nghị của MDP để ưu tiên bố trí vốn  trong giai đoạn 2018 - 2020 và 2021 - 2025”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác