Hạn chế thứ nhất, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là quy mô kinh tế vùng còn khiêm tốn, động lực tăng trưởng của vùng còn yếu. “Trong 14 tỉnh, chỉ có 4 tỉnh là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Quảng Nam có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh về hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có”.
Một số hành lang kinh tế (Đà Nẵng - Quốc lộ 1A và hành lang Đà Nẵng - Quốc lộ 14B - 14D - Nam Giang - Đông -Tây; Dung Quất - Tây Nguyên; Quy Nhơn - Tây Nguyên) chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ; xuất khẩu tăng cao nhưng tỷ trọng còn thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (chỉ chiếm 4,76% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước). Phát triển chưa đồng đều xét trên yếu tố vùng, lãnh thổ giữa các tỉnh trong vùng và nội bộ từng địa phương, ảnh hưởng tới khả năng phát triển vùng một cách đồng bộ, toàn diện.
Thứ hai, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tầu dẫn dắt kinh tế vùng. Tỷ trọng GRDP của vùng kinh tế trọng điểm so với GDP cả nước trong giai đoạn 2016-2018 có xu hướng giảm, năm 2016 chiếm 7,89%, năm 2017 là 7,79%, đến năm 2018 chiếm 7,84%.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2016-2018 là 7,3%/năm (đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế của cả nước) thấp hơn bình quân vùng miền Trung (7,62%). Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2019 của 4/5 địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tăng trưởng thấp hơn bình quân chung của vùng và cả nước.
Thứ ba, thu ngân sách chưa bền vững, mặc dù, tăng cao, nhưng số thu một lần, thu không ổn định còn chiếm tỷ lệ lớn, thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu nội địa, chiếm tỷ lệ khoảng 22-25%.
Thứ tư, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu. Tuyến đường ven biển còn chưa kết nối được các tỉnh và vùng theo dải bờ biển miền Trung, các tuyến đường trục Bắc - Nam, Đông - Tây đường nối từ khu vực ven biển lên Tây Nguyên, nối ven biển với vùng trung du, miền núi chưa được đầu tư mới, nâng cấp; tuyến đường sắt khổ 1,4 m chậm được đầu tư.
Thứ năm, nguy cơ thiếu nước ngọt, nhiễm mặn và hạn hán ngày càng rõ rệt, đặc biệt tại các tỉnh Nam Trung bộ. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn cao.
Thứ sáu, thu hút đầu tư nước ngoài vào vùng còn thấp, chủ yếu dự án vừa và nhỏ. Các nhà đầu tư nước ngoài, tập đoàn, doanh nghiệp lớn có tâm lý e ngại khi đầu tư vào vùng thường gặp thiên tai, bão lũ và giao thông chưa thật sự thuận tiện.
Thứ bảy, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo có cấp chứng chỉ mới đạt khoảng 22-23%, thuộc vùng có tỷ lệ thấp của cả nước. Do đặc điểm là vùng thuần nông nghiệp và ngư nghiệp nên phong cách làm việc công nghiệp, kỷ luật và tính chuyên nghiệp chưa cao, lực lượng lao động cần có sự đào tạo để dần thay đổi thói quen, tác phong làm việc. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao (8,7%) so với bình quân cả nước (6,8%).
Thứ tám, thiếu sự liên kết vùng, vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, thậm chí cạnh tranh lẫn nhau; công tác phối hợp giữa các địa phương trong vùng còn rất hạn chế; chưa hình thành được sự kết nối về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, kết cấu hạ tầng, cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực dẫn đến làm chậm tiến trình hình thành một không gian kinh tế thống nhất; đồng thời, chưa có sự phân công lao động giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, dẫn tới đầu tư còn trùng lắp, các tỉnh, thành phố không phát huy được lợi thế so sánh của mình.
Nhận diện những hạn chế này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra 3 nhóm giải pháp để phát triển vùng miền Trung tăng trưởng và phát triển bền vững, bao gồm:
Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch quốc gia và vùng, lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm; xây dựng các đô thị ven biển hiện đại, quy hoạch xây dựng phải đi trước. Hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối Bắc - Nam và hệ thống đường ngang Đông - Tây kết nối liên thông các cảng biển và các tỉnh ven biển với vùng Tây Nguyên. Tăng cường liên kết vùng và các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên, hợp tác cùng phát triển…
Nhóm giải pháp về liên kết các ngành, lĩnh vực.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lợi thế vùng gắn với thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng thương hiệu và sản phẩm quốc gia theo ngành và lợi thế của vùng, sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong các trường đại học, doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh/thành phố trong vùng, coi đó là hạt nhân của hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sớm xây dựng, hoàn thiện và chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu chung về các tỉnh, thành phố thuộc vùng miền Trung, các ngành kinh tế, các lĩnh vực xã hội, tiến độ các công trình trọng điểm, dự án lớn triển khai trên địa bàn, phục vụ xây dựng và điều phối các hoạt động liên kết vùng.
Kết hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo công tác phòng thủ tuyến biên giới trên đất liền và trên biển...
Nhóm giải pháp về nguồn lực
Theo đó, ưu tiên nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng. Cùng với đó, các tỉnh, thành phố trong Vùng chủ động huy động đa dạng các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, tạo ra liên kết vùng.
Xem xét huy động cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động triển khai nhiệm vụ điều phối phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất giao Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại cho một số tỉnh, thành phố lớn, có vai trò làm đầu tàu kéo tăng trưởng kinh tế của cả nước.