- TP.HCM không được xảy ra tình trạng chậm trễ trong giải ngân và thu hút vốn đầu tư
- Lập 7 đoàn kiểm tra, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công
- Đi từng dự án, xuống từng địa phương để “thúc” tăng trưởng kinh tế
- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Phú Yên định hướng chiến lược ra sao để bứt phá?
Đoàn công tác số 6 của Chính phủ, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Trưởng đoàn, đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao phó: kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc sản xuất - kinh doanh, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương, trước mắt ở hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
Ngày 24/7, Đoàn công tác đã tới tỉnh Thanh Hóa, một trong những địa phương được đánh giá có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công rất tốt. Và một trong những nội dung quan trọng được đề cập, đó là nguyên nhân nào khiến Thanh Hóa đã làm được điều mà rất nhiều địa phương khác trong cả nước không làm được.
Lý giải gốc rễ vì sao Thanh Hóa giải ngân tốt
Báo cáo Đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Thi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết, tổng hợp số liệu của Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa, đến ngày 22/7/2020, tổng kế hoạch vốn năm 2020 đã giải ngân của tỉnh là 5.301 tỷ đồng, đạt 54,6% so với kế hoạch năm 2020 theo thông báo của Trung ương (đạt 58,3% nếu so với số vốn đã được giao kế hoạch chi tiết).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. |
Còn nếu dựa trên con số tổng hợp ở Cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 22/7/2020, tỉnh Thanh Hóa hiện đứng thứ 10 trong số 126 cơ quan, đơn vị và đứng thứ 6 trong số 63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao.
Nghĩa là dù dựa trên số liệu thống kê nào, Thanh Hóa vẫn là một trong những địa phương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong giải ngân vốn đầu tư công.
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, nhắc lại câu hỏi mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vẫn thường xuyên đặt ra, là tại sao cùng một thể chế, chính sách, có địa phương giải ngân tốt, có địa phương lại rất trì trệ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đồng thời đưa ra câu trả lời rằng: “Là do các đồng chí đã làm được nhiều thứ, rất hay”.
Những “điều hay” đó chính là HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa ngay từ đầu năm đã khẩn trương giao kế hoạch vốn cho các chương trình, dự án ngay từ đầu năm; thường xuyên tổ chức các hội nghị giao ban về đầu tư công để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; yêu cầu ký cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng của các dự án giữa chủ đầu tư và các đơn vị liên quan; phân công cụ thể lãnh đạo chỉ đạo, theo dõi các dự án trọng điểm; rồi thành lập các đoàn kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự trỗi dậy của Thanh Hóa trong những năm qua. |
“Đây là các giải pháp rất trúng và đúng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và nhấn mạnh rằng, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp này để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tốt hơn nữa trong những tháng cuối năm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa cam kết sẽ giải ngân hết số vốn kế hoạch giao trong năm nay. Tuy nhiên, riêng đối với vốn ODA, có thể còn có những khó khăn nhất định.
“Không chỉ là giải ngân vốn đầu tư công, để phục hồi kinh tế, cũng cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư khác, bao gồm vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư tư nhân…, bởi thực tế vốn đầu tư công chỉ chiếm 1/3 tổng vốn đầu tư toàn xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo Bộ trưởng, phải coi trọng các nguồn vốn đầu tư này cũng giống như vốn đầu tư công để quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, làm sao khơi thông nguồn lực, qua đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Cũng bởi thế, Bộ trưởng bày tỏ sự đồng tình khi Thanh Hóa mong muốn tập trung phát triển cho Khu kinh tế Nghi Sơn, nơi hiện tại đang thu hút nhiều dự án đầu tư lớn, có ý nghĩa động lực, trong đó có Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
“Trên tỉnh có khi không vấn đề gì, nhưng có khi xuống huyện, khó thêm một tý, xuống xã, lại khó thêm tý nữa. Vì thế, phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từ cái nhỏ nhất cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư”, Bộ trưởng nói.
Nhiệm vụ quan trọng 5 năm tới: “trỗi dậy” mạnh mẽ
“Trỗi dậy” là cụm từ được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dùng để nói về sự phát triển của Thanh Hóa những năm vừa qua. “Thanh Hóa đang trỗi dậy và có nhiều điều kiện để trỗi dậy”, Bộ trưởng nói.
Đồng thời với việc đánh giá cao kết quả mà Thanh Hóa đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là tăng trưởng GRDP đạt 3,7%, tuy chưa đạt kỳ vọng, nhưng đã góp phần rất lớn vào tốc độ tăng trưởng dương của kinh tế Việt Nam, giải ngân vốn đầu tư tốt, thu hút đầu tư tốt…, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ khi Thanh Hóa đặt mục tiêu tăng trưởng 11% trong 5 năm tới.
“Mục tiêu này là cao nhưng phải đặt ra để phấn đấu. Phải nghĩ lớn, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược thì mới có thể trỗi dậy được”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh, đã đến lúc, các địa phương, trong đó có Thanh Hóa phải chủ động hoạch định và quyết định tương lai của mình, đặt ra mục tiêu lớn và tái cấu trúc, thực hiện các biện pháp để đạt được mục tiêu đó.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng tỉnh Thanh Hóa số tiền 200 triệu đồng. |
Chia sẻ kinh nghiệm của Ninh Thuận, rằng vào thời điểm ông mới về đó làm lãnh đạo tỉnh (năm 2009), thu ngân sách mới chỉ đạt 340 tỷ đồng, mỗi năm chỉ tăng 30 tỷ đồng, song nhờ biết “nghĩ lớn, làm lớn”, mà sau đó mỗi năm, ngân sách tỉnh tăng tới 300 tỷ đồng, đến giờ là đạt tới 4.600 tỷ đồng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng một lần nữa nhấn mạnh việc phải “biết mơ lớn”.
Thanh Hóa giờ đây cũng đang mơ lớn, khi không chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GRDP khá cao, mà còn đặt mục tiêu trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển của đất nước.
Ủng hộ kế hoạch này của Thanh Hóa, Bộ trưởng bày tỏ sự tin tưởng khi địa phương đang đi đúng hướng, thuê tư vấn nước ngoài để xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
“Quy hoạch là hết sức quan trọng. Thanh Hóa phải quy hoạch lại không gian phát triển, phân bổ lại. Trong quy hoạch phát triển, phải quan tâm đến liên kết vùng, phải tính đến các địa phương tiếp giáp, tính cả trọng tâm phát triển của tỉnh. Trước mắt, nên tập trung phát triển và làm đường ven biển để mở toang cánh cửa về phía Đông, sau đó mới phát triển miền Tây”, Bộ trưởng góp ý cho chiến lược phát triển của Thanh Hóa trong giai đoạn tới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tới thăm và tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa. |
Để có thể tăng tốc, phát triển, thậm chí là “trỗi dậy”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Thanh Hóa phải tập trung phát triển tuyến đường ven biển để tạo hành lang kinh tế dọc tuyến đường; phát triển nông nghiệp theo định hướng mới là “nông nghiệp hiệu quả cao”, chứ không phải là nông nghiệp công nghệ cao; tập trung thu hút đầu tư thêm nhiều lĩnh vực khác, ngoài lọc dầu, nhiệt điện, thép… như hiện tại.
Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… “Khi đất đai sẵn, nguồn nhân lực có thì chẳng cần phải đi xúc tiến đầu tư, nhà đầu tư sẽ tự tìm đến”, Bộ trưởng nói.
Để có nguồn lực để “trỗi dậy”, tỉnh Thanh Hóa cũng đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thông báo tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch năm 2021, làm cơ sở xây dựng kế hoạch, thực hiện chuẩn bị đầu tư các dự án dự kiến khởi công mới năm 2021; xem xét bố trí vốn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng, với tổng vốn đầu tư khoảng 33.580 tỷ đồng...
Thống nhất về chủ trương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ xem xét, nghiên cứu để làm sao hỗ trợ tỉnh có chính sách, có nguồn lực tốt nhất để có thể mạnh mẽ trong giai đoạn tới.