Điểm nóng
Viện Kiểm sát đối đáp phần bào chữa của nhóm Đăng kiểm khối V
Việt Dũng - 13/08/2024 20:20
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, khi đã thừa nhận cáo trạng đúng, luận tội đúng thì có nghĩa là các luật sư phải xác định hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội phạm.

Ngày 13/8, phiên tòa xét xử vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm tại TP.HCM và các địa phương khác tiếp tục phần tranh luận.

Hôm nay, các luật sư của nhóm bị cáo ở những trung tâm đăng kiểm khối V (trực thuộc Cục Đăng kiểm) thực hiện xong phần bào chữa của mình. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM (Viện Kiểm sát) cũng đã đối đáp các quan điểm bào chữa của luật sư.

Theo Viện kiểm sát, đa số các luật sư xác định các bị cáo nhận tội, cáo trạng đúng. Luật sư chỉ trình bày một số nội dung theo cách tiếp cận, đánh giá của luật sư và nhấn mạnh các bị cáo thành khẩn nhận tội.

Đại diện VKSND TP.HCM tại phiên tòa. (Ảnh: HOÀNG GIANG)


Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, khi đã thừa nhận cáo trạng đúng, luận tội đúng thì có nghĩa là các luật sư phải xác định hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội phạm. Nhưng một số luật sư, khi bào chữa vẫn cho rằng hành vi của các bị cáo chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Số tiền mà các bị cáo nhận không phải để bỏ qua lỗi phương tiện, không thực hiện hành vi theo yêu cầu của chủ phương tiện...

“Không thể có chuyện, vừa nhận tội và yêu cầu áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với các cơ quan tố tụng trong giải quyết vụ án, lại vừa cho rằng Viện kiểm sát xác định hành vi của các bị cáo là chưa xác định đúng lỗi hoặc hành vi của các bị cáo không có lỗi… Việc trình bày luận cứ theo kiểu hai hàng như vậy, chúng tôi nhận thấy khó mà xác định rằng các bị cáo đang thành khẩn nhận tội”, đại diện Viện kiểm sát lập luận.

Về việc một số luật sư cho rằng Viện Kiểm sát áp dụng tình tiết phạm tội từ 2 lần trở lên và phạm tội có tổ chức đối với bị cáo mình là không có căn cứ, theo Viện Kiểm sát, tình tiết phạm tội có tổ chức quy trách nhiệm đối với bị cáo là hành vi cấu kết cùng nhau thực hiện tội phạm. Hành vi của người này là tiền đề cho hành vi của người sau, liên tiếp nhau tạo nên hậu quả/kết quả cuối cùng.

Cụ thể, đăng kiểm viên trực tiếp nhận tiền, kiểm định phương tiện. Trưởng dây chuyền là người ký xác nhận kiểm định đạt, để lãnh đạo ký cấp giấy chứng nhận. Số tiền hối lộ nhận được, chuyền trưởng tập hợp mỗi ngày và chia nhau, hưởng lợi theo quy ước sẵn. Chuỗi phân công này hết sức chặt chẽ, mỗi vị trí có nhiệm vụ riêng không thể tách rời. Do vậy, Viện Kiểm sát quy kết hành vi có tổ chức là có căn cứ.

Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng, việc nhận hối lộ tại trung tâm đăng kiểm là theo chủ trương có từ trước, thậm chí luật sư còn cho rằng, đây là dạng tiêu cực kéo dài, có yếu tố lỗi từ bị hại, bởi việc bỏ tiền vào xe đi đăng kiểm là điều hết sức bình thường, đưa tiền không được, chủ xe còn đưa cho "cò" đưa. Đại diện Viện Kiểm sát đối đáp lại rằng, nếu không bị các đăng kiểm viên làm khó khi đi đăng kiểm, không có cái gọi là chủ trương nhận tiền từ lãnh đạo, thì mọi người khi đi đăng kiểm có buộc phải bỏ tiền trên xe khi đến đăng kiểm hay không?

Quá trình điều tra thể hiện rất rõ, khi kiểm tra xe, nếu không có tiền trên xe, đăng kiểm viên báo cho nhau biết. Sau đó, những đăng kiểm viên khi kiểm định xe sẽ tìm kiếm, bắt lỗi để đăng kiểm không đạt. Chủ xe buộc phải quay lại kiểm định, và tất nhiên là phải bỏ tiền.

Cuối cùng, cơ quan công tố cho biết chia sẻ về hoàn cảnh thực hiện hành vi phạm tội của các bị cáo. Các bị cáo có thể do nhận thức, có thể do hoàn cảnh gia đình nên sợ bị mất việc… nên đã phân hóa vai trò đối với từng bị cáo. Tuy nhiên, Viện kiểm sát đánh giá việc vin vào hoàn cảnh và cho rằng mình không phạm tội, rằng việc làm của mình là đúng đắn, thì lại không thể chấp nhận được.

Tin liên quan
Tin khác