Một đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Quảng Nam. |
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 606/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (Dự án).
Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Dự án do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Chủ tịch Hội đồng.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc thẩm định Dự án.
Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh theo đúng quy định, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
Vào đầu tuần này, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể đã ký tờ trình số 4185/TTr – BGTVT đề nghị Thủ tướng thẩm định Dự án với nội dung chính là chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án thành phần dự kiến đầu tư theo hình thức PPP sang sử dụng vốn đầu tư công với tổng mức đầu tư khoảng 99.493 tỷ đồng.
8 dự án PPP dự kiến chuyển đổi sang hình thức đầu tư công gồm các đoạn: Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Ngoài 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; với phần còn thiếu (khoảng 44.493 tỷ đồng), Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép bổ sung trong kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.
Để hạn chế tác động tiêu cực của việc chuyển đổi hình thức đầu tư, đặc biệt là giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước và không làm ảnh hưởng đến doanh thu các dự án PPP trên Quốc lộ 1 và các tuyến song hành, Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất phương án tiến hành thu phí hoàn vốn sau khi các công trình này hoàn thành, đưa vào khai thác.
Cần phải nói thêm rằng, tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017, Quốc hội đã giao Chính phủ trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ đầu tư khoảng 654 km đường cao tốc Bắc - Nam gồm 11 dự án thành phần, trong đó 3 dự án thành phần đầu tư công và 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP; tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng (bao gồm 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước; 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.
Được biết, hiện nay sau khi hoàn tất việc sơ tuyển, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư cuối tháng 5/2020, thời gian tối thiểu theo quy định để triển khai giai đoạn đấu thầu khoảng 6 tháng. Như vậy, trường hợp đấu thầu thành công cũng chỉ có thể lựa chọn được nhà đầu tư trong tháng 11/2020; đàm phán ký kết hợp đồng trong tháng 12/2020; bắt đầu triển khai thi công từ đầu năm 2021.
Rút kinh nghiệm từ các dự án BOT giai đoạn trước đây, Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 Chính phủ quy định trong trường hợp sau 6 tháng không ký được hợp đồng tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực. Như vậy, trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư trong năm 2020 cũng chưa thể khẳng định có thể triển khai ngay các dự án thành phần PPP trong năm 2021.
Trong khi đó, bên cạnh việc xác định rõ ràng, kiểm soát được tiến độ triển khai, quá trình chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án thành phần từ hình thức PPP chuyển sang đầu tư công sẽ giảm tổng mức đầu tư do không phát sinh chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng (giảm khoảng 3.020 tỷ đồng).
Trường hợp được cấp có thẩm quyền chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư, có thể khởi công đồng loạt 8 dự án chuyển đổi trong năm 2020 - lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.