Đầu tư
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu 5 nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Kỳ Thành - 31/10/2019 21:49
Chậm giải ngân vốn đầu tư công là một trong những điểm tối trong bức tranh sáng của nền kinh tế. Chính phủ đã xác định rõ nguyên nhân và đề ra 5 nhóm giải pháp chính để khắc phục tình trạng này.

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là một trong những điểm tối trong bức tranh sáng của nền kinh tế, đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đóng góp của đầu tư công trong giá trị của GDP.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhiều công trình hạ tầng chậm tiến độ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Cập nhật tình hình 10 tháng cho thấy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 49,83% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 54,69% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. "Tức là so với 9 tháng thì mức tăng không đáng kể và thấp hơn so với cùng kỳ 2018", ông Dũng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình trước Quốc hội trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội chiều 31/10

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp khác nhau ngay từ những tháng đầu của năm như việc giao kế hoạch vốn rất sớm, trước 31/12 đã giao 91,26%, số còn lại hơn 33.000 tỷ đồng (tương ứng hơn 8%) thì không thể giao được do không đủ điều kiện và thủ tục theo luật quy định. Theo Bộ trưởng Dũng, từ đầu năm đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đôn đốc các bộ ngành, địa phương hoàn thành các thủ tục và thủ tục đầy đủ đến đâu giao đến đó. Đến nay đã giao được hơn 5.000 tỷ đồng, còn 27.000 tỷ đồng chưa giao được. Việc thực hiện các quy định, quy trình đủ điều kiện để giao là không đáp ứng được nên chúng tôi không giao được, vì Luật đã quy định như vậy, ông Dũng lý giải.

Bộ trưởng Dũng cho biết, mặc dù đã tổ chức nhiều đoàn công tác đôn đốc, thúc đẩy để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhưng thực tế tình hình vẫn rất chậm cải thiện. Trước tình hình đó, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn và đầu tư công năm 2019, trong đó tập trung phân tích,dánh giá và làm rõ các nguyên nhân.

Nguyên nhân khách quan được người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra như một số quy định, các văn bản pháp luật về đầu tư công như công tác chuẩn bị đầu tư, công tác chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập; thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch phức tạp, nhiều việc phải thực hiện theo các quy định của Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật đấu thầu, Luật tài nguyên mà môi trường… gây chồng chéo.

Về cơ bản, những vấn đề liên quan đến vưỡng mắc về đầu tư công đã được giải quyết ở Luật đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2020. Một số vấn đề còn vướng mắc liên quan đến các pháp luật khác nhau, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất giao các cơ quan tiếp tục rà soát trong thời gian tới chỉnh sửa, phải thống nhất lại, ông Dũng cho biết.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan được Chính phủ xác định là là ở khâu tổ chức thực hiện là chủ yếu như là công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế; việc giao kế hoạch chậm ở cả cấp trung ương và địa phương; việc giao chi tiết ở các cấp bộ ngành, địa phương cũng rất chậm, chưa phù hợp với yêu cầu, tiến độ dự án; công tác tổ chức thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương còn nhiều bất cập; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao; trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, tư vấn, giám sát, nhà thầu… còn nhiều hạn chế, cơ bản là thiếu động lực trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 94 vừa qua với một số nhiệm vụ giải pháp chủ yếu để đẩy nhanh tiến độ về phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019 và tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính.

Thứ nhất là tiếp tục rà soát các quy định còn vướng mắc để kịp thời điều chỉnh.

Thứ hai là khẩn trương giao chi tiết và điều chỉnh các kế hoạch vốn, trong đó kiên quyết điều chỉnh vốn từ các dự án dàn trải, giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân cao hơn.

Thứ ba là tập trung chỉ đạo triển khai công tác giải ngân ở các cấp các ngành.

Thứ tư là đổi mới công tác theo dõi đánh giá kế hoạch đầu tư công.

Thứ năm là tăng cường kỷ luật kỷ cương nhất là vai trò của người đứng đầu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thông tin các bộ ngành địa phương có tỷ lệ giải ngân chậm đã được công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội tăng cường tổ chức các giám sát chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công ngay tại địa phương mình.

Cách làm này, theo Bộ trưởng Dũng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giám sát ngay tại cơ sở, đồng thời giúp chính quyền địa phương thấy rõ các nguyên nhân và gợi ý đưa ra giải pháp hiệu quả.

"Với việc Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực 1/1/2020, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp của Nghị quyết 94, với việc giám sát của Quốc hội, tôi tin tưởng rằng vấn đề giải ngân vốn đầu tư công từ năm 2020 sẽ có những bước cải thiện đáng kể", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết, về các vấn đề kế hoạch đầu tư công 2020, sau khi Quốc hội thông qua, các cơ quan liên quan sẽ tổ chức rà soát và giao sớm ngay tất cả vốn của năm 2020.

Tin liên quan
Tin khác