Toàn cảnh Hội nghị |
Hội nghị sẽ đánh giá lại tình hình thực hiện phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019, đề xuất các giải pháp thúc đẩy phân bổ và giải ngân những tháng còn lại của năm 2019. Dự kiến, Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 sẽ được thảo luận tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đều rất quan tâm đến công tác đầu tư xây dựng cơ bản nói chung, giải ngân vốn đầu tư công nói riêng, cũng như việc chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2020.
Đầu tư công thời gian quan đã đóng góp rất lớn vào kết quả phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt là các công trình hạ tầng quan trọng từ miền núi tới miền xuôi, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP.
Tuy nhiên, tình trạng chậm giải ngân gần chục năm qua tạo ra nút thắt cổ chai với nền kinh tế, không phải chỉ xảy ra năm nay mà nhiều năm qua. Chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ luỵ như ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội, uy tín quốc gia, gây lãng phí lớn cho xã hội...
Thủ tướng đề nghị Hội nghị phải làm rõ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan của tình trạng giải ngân chậm vốn đầu tư công. Từ thực tế tỷ lệ giải ngân rất chênh lệch giữa nhiều bộ, ngành, địa phương, nơi giải ngân cao, nơi rất thấp, Thủ tướng nêu rõ các địa phương giải ngân thấp phải làm rõ tại sao địa phương khác làm tốt, mà địa phương mình chưa làm được. “Chậm do vốn, thủ tục hay tinh thần, thái độ không tích cực”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Quan trọng hơn, Thủ tướng nêu rõ Hội nghị cần đưa ra giải pháp thiết thực, cụ thể để giải ngân tốt hơn, rút kinh nghiệm năm nay để năm sau giải ngân kịp thời hơn. Những tháng còn lại cần có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Địa phương nào giải ngân chậm thì cắt vốn, điều chuyển sang cho địa phương ngành khác sử dụng hiệu quả hơn.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng và ước 9 tháng cơ bản tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất kinh doanh và các mặt xã hội đều có bước tiến bộ, tăng trưởng khá, hướng tới hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch năm 2019 đã đề ra.
Tuy nhiên, vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một “điểm mờ” trong bức tranh sáng của tổng thể của nền kinh tế.
“Việc phân tích, làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân để rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp hiệu quả là rất cần thiết”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2019 được Quốc hội quyết định là 429.300 tỷ đồng. Trước 31/12/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch chi tiết đạt trên 367.000 tỷ đồng, bằng 85,5% dự toán. Như vậy, tỷ lệ kế hoạch vốn được giao sẵn sàng để giải ngân là khá cao. Số vốn chưa giao kế hoạch chi tiết chỉ chiếm 14,5%, không phải là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, ngay cả đối với số vốn đã được giao kế hoạch nhưng tỷ lệ giải ngân đạt thấp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng |
Trong năm 2019, căn cứ Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở tổng hợp phương án đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và kết quả rà soát các dự án đảm bảo đủ, đúng thủ tục đầu tư theo quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ giao tiếp kế hoạch chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương. Lũy kế đến nay, số vốn được giao kế hoạch đạt trên 391.000 tỷ đồng, bằng 92,16% dự toán.
Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch khoảng 33.683,878 tỷ đồng, chủ yếu là do chưa có danh mục dự án, dự án chưa đủ thủ tục, một số bộ, ngành, địa phương xin giảm kế hoạch và trả lại vốn, chờ điều chỉnh chủ trương của cấp có thẩm quyền, lúng túng trong công tác điều chỉnh...
Về khách quan, năm 2019 là năm có nhiều điều chỉnh trong kế hoạch trung hạn, như sử dụng dự phòng 10% tại các bộ, ngành, địa phương, điều chỉnh cắt giảm, bổ sung vốn và danh mục dự án... nên mất nhiều thời gian rà soát, xét duyệt của các cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật, trong khi đó danh mục và số vốn kế hoạch trung hạn là điều kiện tiên quyết để giao kế hoạch vốn hằng năm.
Mặc dù vậy, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trong đó công tác kế hoạch hóa đầu tư công còn nhiều bất cập cả ở các cơ quan tổng hợp và ở các bộ, ngành, địa phương, lập kế hoạch chưa sát với thực tế, chưa tính toán kỹ khả năng giải ngân, có tâm lý xây dựng nhu cầu vốn cao nhưng phân bổ cho các dự án chưa hợp lý, chưa phù hợp với nguyên tắc, thứ tự ưu tiên, thậm chí còn dự kiến bố trí cho những dự án chưa đủ thủ tục nên dẫn tới không thể giao được kế hoạch theo quy định pháp luật…
Với các nguyên nhân đa dạng, mỗi một bộ, ngành, địa phương, dự án giải ngân chậm đều ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, bài học rút ra là một mặt, các cấp, các ngành phải có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, đây là tiền thuế đóng góp của người dân, việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nên phải nhanh, hiệu quả và phải đảm bảo đúng pháp luật.
Mặt khác, để giải quyết vấn đề phân bổ và giải ngân chậm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần phải xây dựng giải pháp tổng thể, đồng bộ từ thể chế, pháp luật đến công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, thực hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và phải có chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật, sách nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm, cố tình làm chậm tiến độ phân bổ và giải ngân.
Báo Đầu tư Online sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin về Hội nghị.