Phiên thảo luận một luật sửa 4 luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Sáng 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một luật sửa đổi, bổ sung 4 luật liên quan tới đầu tư (Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Đấu thầu).
Với Luật Đầu tư, Chính phủ đề nghị bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, nhằm rút ngắn thời gian triển khai dự án để tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh và thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Theo đó, thủ tục đầu tư đặc biệt áp dụng với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, chip,và lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên, khuyến khích đầu tư theo quyết định của Thủ tướng... tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế. Các quy trình đăng ký đầu tư tại Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày.
Các dự án này khi được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt sẽ chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm thủ tục hành chính liên quan. Trong đó, nhà đầu tư không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép, chấp thuận hoặc phê duyệt trong 3 lĩnh vực cần sử dụng nhiều thời gian thực thủ tục hành chính là xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy. Dự kiến có thể giảm thiểu số thời gian thực hiện thủ tục hành chính đến 260 ngày.
Nhưng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) đề nghị Chính phủ cân nhắc chỉ giới hạn quy định cho đối tượng là một số dự án lớn, đặc thù, có tính chất lan tỏa vùng, miền, cả nước, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, cần thực hiện ngay để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư.
Nêu ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phân tích, đặc biệt ở đây tức là phải nhanh, chứ không có nghĩa chỉ rút gọn về thời gian, thủ tục.
Chẳng hạn, đặc biệt về thủ tục là cần được thiết kế đặc biệt. Chỉ cần một bộ hồ sơ cho tất cả lĩnh vực môi trường, phòng cháy chữa cháy… chứ không phải mỗi khía cạnh một hồ sơ như hiện nay. Đầu mối tiếp nhận, xử lý hồ sơ cũng cần thu về một mối là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau thời hạn nhất định 30-60 ngày trả lời nhà đầu tư, ông Định nói.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội, nếu quy định thủ tục đặc biệt mà vẫn như hiện nay thì chưa đặc biệt, chưa nhanh được. Hiện nhà đầu tư phải đi hết cơ quan này, tới cơ quan kia. Mỗi cơ quan một bộ hồ sơ, thời gian kéo dài tới vài ba năm.
"Đặc biệt ở đây phải hiểu là thiết kế đặc biệt về hồ sơ, quy trình, thủ tục và một đầu mối tiếp nhận xử lý, trả lời nhà đầu tư. Như vậy mới tháo gỡ được vướng mắc hiện nay”, ông Định nhấn mạnh.
Về tổng thể, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát để tháo gỡ những gì thực sự đang vướng, bức xúc, đồng thời, mở ra những thứ mới hơn, tốt hơn, nhanh hơn cho người dân, doanh nghiệp còn đừng "mở ra cái quản lý Nhà nước chặt hơn mà khó hơn cho người dân, doanh nghiệp".
Ông Định cũng đề nghị xem xét đưa thêm sửa một số điều của Luật Đầu tư công vào dự luật này để thành 1 luật sửa 5 luật.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói "lần này sửa Luật Đầu tư có cải tiến rất mạnh". Ông cho biết, cơ quan soạn thảo chưa dám mạnh dạn đề xuất áp dụng thủ tục đặc biệt với tất cả dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, chứ không riêng dự án công nghệ cao như tờ trình.
Tuy nhiên, “nếu được ủng hộ, chúng tôi đề xuất tất cả dự án tại khu công nghiệp được hưởng cơ chế luồng xanh, để khuyến khích đầu tư, thu hút vốn. Tức là, khi nhà đầu tư đăng ký đầu tư, họ sẽ được cấp phép trong 15 ngày. Sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư, họ không phải thực hiện các thủ tục về xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy… mà có thể thực hiện được ngay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Ông cũng bày tỏ mong muốn “là lần này cải cách mạnh thì dự án đã nằm trong khu công nghiệp, tức đã xác định rõ quy hoạch, môi trường, hạ tầng... được thực hiện cơ chế luồng xanh này".
Tuy nhiên, khi gút lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh quan điểm của cơ quan thẩm tra, là, cân nhắc chỉ giới hạn quy định cho đối tượng là một số dự án lớn, đặc thù, có tính chất lan tỏa vùng, miền, cả nước, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, cần thực hiện ngay để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư.
Theo đề xuất của Chính phủ, dự án một luật sửa bốn luật sẽ được trình Quốc hội thảo luận và thông qua ngay tại Kỳ họp thứ tám, theo quy trình thủ tục rút gọn.