Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị trực tuyến sáng 10/4. |
Dịch càng kéo dài, ảnh hưởng tới kinh tế càng nghiêm trọng
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dịch COVID-19 cộng hưởng với đà suy giảm từ năm 2019 đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Dịch đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, gây đình trệ giao thương, đầu tư trên phạm vi toàn cầu; làm giảm cả “cung” và “cầu” trên thị trường thế giới. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, giảm quy mô; các ngành sản xuất lớn ảnh hưởng nặng nề; lao động mất việc làm, tạm ngừng hoặc thiếu việc làm tăng lên...
Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu và của các quốc gia đều bị tác động nghiêm trọng, nhiều nền kinh tế lớn được dự báo có mức tăng trưởng âm. Các trật tự và mối quan hệ về đầu tư, thương mại, đối ngoại song phương, đa phương, vai trò, vị trí của các quốc gia trên trường quốc tế có nhiều thay đổi...
Trong bối cảnh như vậy, theo Bộ trưởng, nhiều quốc gia đã thực hiện nhiều giải pháp, với ưu tiên cao nhất là kiểm soát và “dập” dịch sớm nhất có thể; đồng thời, triển khai khẩn cấp các giải pháp mạnh để giảm thiểu tác động của dịch và sớm chuẩn bị các giải pháp “bắc cầu” giữa giai đoạn “trong dịch” và “hậu dịch” để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.
“Quốc gia nào càng kết thúc dịch sớm, càng chuẩn bị sớm các điều kiện phục hồi thì sẽ càng nắm bắt được cơ hội để thay đổi và phát triển theo xu hướng chung là tập trung vào thị trường trong nước trước để tạo lực rồi mới vươn ra thị trường nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Cũng giống như nhiều quốc gia khác, kinh tế - xã hội Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi tốc độ tăng GDP quý I ước chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2011 tới nay.
“Dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt được. Trường hợp dịch được khống chế trong Quý II, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32% và trường hợp dịch kéo dài hết đến Quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Phải sớm chuẩn bị kịch bản và có giải pháp vực dậy nền kinh tế sau dịch
Trước tác động của dịch bệnh COVID-19 tới kinh tế - xã hội Việt Nam, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ an sinh xã hội.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, hướng tới các đối tượng là các doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Các gói giải pháp tiền tệ, tài khóa ước tính trị giá 330.000 tỷ đồng, tương đương gần 14 tỷ USD (hiện Thủ tướng đã chỉ đạo nâng lên mức 22 tỷ USD) cũng đã và đang thực hiện. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 07/4/2020 cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với các chính sách hỗ trợ trực tiếp hoặc cho vay ưu đãi hướng tới 6 nhóm đối tượng cụ thể.
Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh chưa nghiên cứu thành công vắc-xin và thuốc điều trị thì khả năng thời điểm kết thúc dịch của các quốc gia là rất khác nhau; một số quốc gia có thể kiểm soát sớm được dịch, nhưng chỉ cần một vài quốc gia còn dịch thì chính sách phòng vệ vẫn còn tiếp tục, việc phục hồi nhanh nền kinh tế trở lại như thời điểm trước dịch vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có các giải pháp mạnh hơn hỗ trợ nền kinh tế.
Chính vì thế, theo Bộ trưởng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Theo đó, kiến nghị 3 nhóm giải pháp với 33 nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công.
Dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhưng ở một góc độ khác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đó chính là “cơ hội” cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra.
“Bởi vậy, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng Nhấn mạnh.
Về các việc cần làm, theo Bộ trưởng, trước tiên, cần kiểm soát dịch thành công, nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, qua đó củng cố thêm niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước; nâng cao uy tín, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Tiếp theo, cần thực hiện quyết liệt, đầy đủ các giải pháp đã ban hành tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm duy trì được các hoạt động kinh tế - xã hội ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tác động của dịch sẽ gia tăng khả năng “bình phục” nhanh và “bứt phá” cho nền kinh tế sau khi dịch qua đi.
Đồng thời, gia tăng mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, kinh doanh an toàn, bền vững.
Nhưng quan trọng không kém, theo Bộ trưởng, là cần đánh giá các tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế đất nước; nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng…
“Cần hình thành sớm các kịch bản ‘vực dậy’ nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và cho rằng, phải tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát.