5 vấn đề được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt ra tại Hội nghị khi thảo luận về các giải pháp thúc đẩy đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tập trung là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Nhắc lại những mục tiêu của các yêu cầu tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đi đôi với các giải pháp về tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn, cần hình thành nên các ngành công nghiệp có tính chất dẫn dắt, nền tảng, đột phá, có tính chủ đạo để cùng thành phần kinh tế tư nhân đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Vì một mặt, để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn với định hướng: doanh nghiệp nhà nước chỉ làm những gì mà khu vực tư nhân không làm được hoặc không muốn làm như quốc phòng, an ninh; độc quyền tự nhân; hạ tầng lớn cho xã hội và các dịch vụ công ích thiết yếu...
Mặt khác, Bộ trưởng cho rằng, việc xác định cho được các ngành công nghiệp mang tính nền tảng, tính dẫn dắt, tạo động lực phát triển đất nước trong tương lai cần phải được nghiên cứu và triển khai tích cực, đồng bộ, nhằm tận dụng được những cơ hội trong bối cảnh công nghiệp 4.0 như hiện nay.
“Doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao hiệu suất lao động và tạo thêm sản phẩm, dịch vụ mới”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Nhưng đề làm được điều này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các tập đoàn, tổng công ty lớn cần nghiên cứu sâu sắc, nghiêm túc các cơ hội và thách thức trong tương lai để định hình được chiến lược của mình khi khoa học công nghệ đang thay đổi nhanh chóng.
Vì, xu hướng của kinh tế số, công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, sản xuất thông minh... là xu hướng không thể đảo ngược. Cùng với đó, những thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững cần phải giải quyết khi chúng ta tập trung vào phát triển kinh tế, đặc biệt là các ngành công nghiệp liên quan đến khai thác và sử dụng tài nguyên tự nhiên.
“Đây cũng là thách thức chung của các nước trong khu vực và thế giới. Việc tập trung vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ, giải pháp để giải quyết các vấn đề môi trường này có thể là cơ hội cho chúng ta trong tương lại. Các giải pháp này không những có thể giải quyết được vấn đề phát triển bền vững trong nước mà còn có thể trở thành một ngành vượt trội cho Việt Nam”, Bộ trưởng Dũng nói.
Nhưng để thực hiện được hướng đi này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị có hướng đi mới trong triển trai tái cơ cấu, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh mới.
“Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, việc chuyển giao 19 tập đoàn, tổng công ty với nhiều nhóm ngành đã hoàn thành, thì cách tiếp cận tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không thể chỉ đặt riêng lẻ cho từng doanh nghiệp mà phải có cách tiếp cận theo nhóm ngành hoặc theo chuỗi các sản phẩm để có thể tận dụng được các thế mạnh của các tập đoàn, tổng công ty lớn”, Bộ trưởng Dũng đề xuất tại Hội nghị. Ông cũng cho rằng, đây là nhiệm vụ mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải nghiên cứu, có đề xuất mang tính chiến lược để thực hiện thực sự thay đổi được phương thực hoạt động và nâng cao hiệu quả các tập đoàn, tổng công ty lớn này.
Ba vấn đề còn lại là giải quyết dứt điểm các dự án, doanh nghiệp yếu kém, nâng cao quản trị doanh nghiệp và cơ chế tuyển chọn người điều doanh nghiệp.
“Tổng giám đốc điều hành doanh nghiệp nhà nước cần phải là người chuyên nghiệp. Cần có cơ chế tuyển chọn và trả lương theo thị trường và hiệu quẩ hoạt động của doanh nghiệp, như vậy mới đảm bảo doanh nghiệp nhà nước được vận hành theo mô hình quản trị hiện đại, minh bạch, công khai”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.