Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. |
1. Một ngày cuối năm 2018, giữa bộn bề công việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chăm chú ngồi lắng nghe các chuyên gia của BCG (Boston Consulting Group) và Arup, hai trong số những tập đoàn hàng đầu về tư vấn và thiết kế kiến trúc, trình bày về các phương án xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Có vẻ khá thích thú với những đề xuất ban đầu của các chuyên gia tư vấn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hồ hởi cho biết, nếu được Chính phủ thông qua, trung tâm đổi mới sáng tạo đầu tiên của Việt Nam sẽ sớm được xây dựng và đặt tại Hòa Lạc.
“Đặt tại Hòa Lạc nhưng không có nghĩa là trung tâm này chỉ phục vụ cho riêng Hà Nội, hay vùng Đồng bằng sông Hồng, thậm chí là cho riêng Việt Nam, mà phải xác định rằng, trung tâm này chính là ‘cuộc chơi’ của Việt Nam ở tầm thế giới, làm sao để kéo được các nhà khoa học thế giới và Việt Nam đến đây, nghiên cứu và phát triển các công nghệ có thể ứng dụng được không chỉ ở Việt Nam, mà là toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng không hề giấu giếm tham vọng lớn của mình, cũng là “tham vọng” của đất nước.
Tuy mới là những đề xuất ban đầu, nhưng các nội dung đã được chuẩn bị rất tỉ mỉ, chuyên nghiệp và bài bản. Thậm chí, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng còn “khoe” rằng, dù không lấy tiền ngân sách để xây dựng, nhưng khoảng 30% trong tổng số 100 triệu USD vốn đầu tư dự kiến ban đầu cho Trung tâm đã được thu xếp theo phương thức xã hội hóa đúng như tinh thần của Nghị quyết Quốc hội. Phần còn lại đang kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đóng góp. “Sẽ không quá khó khăn, bởi các doanh nghiệp khá hào hứng với kế hoạch này”, Bộ trưởng nói.
Nhưng không chỉ là doanh nghiệp hào hứng, mà tất cả những người tham dự cuộc họp hôm ấy đều nhận ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng còn hào hứng hơn gấp bội. Có lẽ, bởi đấy không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), mà còn là tâm huyết của Bộ trưởng. Ông đang muốn xây dựng các thể chế, chính sách vượt trội để đảm bảo cho sự thành công của Trung tâm. Bởi có thể chế rồi, thì tiền sẽ đến, công nghệ sẽ đến, nhân tài cũng sẽ đến…
Có thể, chỉ một số người biết, tháng 4/2018, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã cùng các cán bộ của mình có chuyến công tác tại Mỹ và Singapore, sau này còn đi Hàn Quốc, Trung Quốc…, không phải để xúc tiến đầu tư như thường khi, mà là để tìm hiểu xem “người ta” làm công nghiệp 4.0 như thế nào. Ngay trước chuyến đi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì một cuộc họp đặc biệt với các thành viên tổ tư vấn để bàn về việc xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0.
“Chúng ta cần có chiến lược quốc gia về cách mạng 4.0 để tận dụng được các cơ hội dù là nhỏ nhất. Tôi rất sốt ruột, người ta tiến nhanh như vũ bão mà chúng ta vẫn cứ bàn mãi 4.0 là như thế nào”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khảng khái nói và chia sẻ rằng, đấy là lý do khiến ông quyết định cùng các cộng sự của mình tới Mỹ, tới Singapore - hai cái nôi hàng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo. Và đấy cũng là lý do ông yêu cầu các cán bộ của mình gấp rút nghiên cứu, phác thảo chiến lược quốc gia về cách mạng 4.0, chủ động kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao công việc quan trọng này cho Bộ.
Thực ra, phải tới tận tháng 7/2018, Chính phủ mới quyết định giao trọng trách này cho Bộ KH&ĐT, không chỉ trong xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, mà còn là xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Nhưng ngay từ hồi tháng 4 ấy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã quả quyết rằng: “Dù thế nào thì Bộ KH&ĐT cũng vẫn phải tiên phong xây dựng chiến lược này, vì sự phát triển của đất nước”.
Lý do là vì cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là câu chuyện của khoa học - công nghệ, mà quan trọng hơn hết, là chuyện thay đổi phương thức kinh doanh, tổ chức sản xuất, cũng như cung ứng dịch vụ… của kinh tế toàn cầu, mà nếu không thay đổi, không có chiến lược để “bắt kịp”, Việt Nam sẽ tụt hậu. Trong khi đó, nếu tận dụng được, thì đó chính là cơ hội “ngàn năm có một” để Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế, đột phá phát triển. “Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là chìa khóa để Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển nhanh và bền vững. Bất kỳ quốc gia nào chậm chân trên con đường này thì không thể thành công”, trong câu chuyện đầu năm với Báo Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã một lần nữa nhắc lại điều ấy.
Ông nói rằng, đổi mới sáng tạo chính là con đường ngắn nhất để Việt Nam đi lên hiện đại và thịnh vượng. Và vì trong ông, cũng như trong mọi cán bộ của Bộ KH&ĐT, đều có chung khát vọng thịnh vượng của đất nước, nên ông sẽ dốc mọi tâm huyết và trí lực để Việt Nam có thể hiện thực hóa khát vọng đó. “Tôi đã luôn nói với các cán bộ của mình rằng, phải sáng tạo theo cấp số nhân, cái gì có lợi cho dân, cho nước thì phải làm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mỉm cười.
Vì “sáng tạo theo cấp số nhân”, nên sau khi đi Mỹ, đi Singapore, gặp gỡ những tài năng Việt đang làm việc và giữ các vị trí quan trọng ở các tập đoàn lớn trên toàn cầu, như Google, Facebook…, ông và các đồng sự của mình đã có sáng kiến về việc xây dựng Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ tiêu biểu cho các tài năng, trí thức người Việt Nam đang học tập và làm việc ở nước ngoài đã trở về và có một tuần tham gia các hoạt động kết nối tinh hoa trí tuệ Việt ở trong và ngoài nước, mà tâm điểm là lễ ra mắt Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Trong suốt sự kiện đó, đã thấy những gương mặt rạng rỡ, hào hứng của những người Việt trẻ tài năng. Đã thấy những lời chân tình, lời mời gọi tha thiết của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Đã thấy niềm vui rạng ngời trong mắt của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ít nhiều, sáng kiến, tâm huyết của ông đã bước đầu trở thành hiện thực.
Ông chia sẻ, buổi lễ ấy là dấu mốc quan trọng trong việc quy tụ các nhân tài về phục vụ đất nước. Mạng lưới đổi mới sáng tạo ấy, bây giờ mới chỉ là một vài trăm tài năng, trí tuệ Việt tiên phong, nhưng trong tương lai sẽ là hàng ngàn, hàng vạn. Nghe kể, sau chương trình, rất nhiều trí thức Việt đã viết thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã có sáng kiến tuyệt vời đó. Rất nhiều tâm huyết cũng đã được sẻ chia. Có nhóm chuyên gia còn đề xuất xây dựng “Bản đồ tài nguyên Việt Nam tại nước ngoài”, để làm sao kêu gọi được nhiều hơn chất xám Việt trở về phụng sự cho đất nước.
Khi chất xám trở về, khi những nhà khoa học xa xứ - bằng mệnh lệnh của một trái tim yêu nước - trở về để cùng góp tay, chung sức vì một Việt Nam thịnh vượng, thì con đường đó sẽ không còn xa...
Với sáng kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam đã được thành lập vào tháng 8/2018. |
2. Hơn một nửa nhiệm kỳ được trao trọng trách Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng là gần 3 năm Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng luôn trăn trở với việc làm sao để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của đất nước. Vì khát vọng ấy, ông đã chọn con đường tiên phong đổi mới, ngay từ ngày đầu mới nhậm chức, chứ không phải là bây giờ, khi con đường đi tới đoàn tàu 4.0 đang mở ra trước mắt.
Bộ KH&ĐT - hơn 70 năm phát triển - đã luôn tiên phong trong cải cách và giờ thì ông sẽ tiếp tục con đường ấy. Dù biết chắc chắn, sẽ gặp không ít cản trở, đụng chạm, nhưng Bộ trưởng nói, chỉ cần cái tâm của mình sáng, không vì lợi ích cục bộ của cơ quan mình, bộ ngành mình, không vì lợi ích cục bộ của bất kỳ nhóm lợi ích nào thì mọi người rồi sẽ hiểu. Rằng tất cả cũng chỉ vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc.
Không ngại đụng chạm, nên suốt những năm tháng Bộ KH&ĐT xây dựng Luật Quy hoạch, thấy ông “xông pha” trên mọi mặt trận để bảo vệ bằng được quan điểm của mình. Đó là phải làm một “cuộc cách mạng” trong công tác quy hoạch, nếu không sẽ vẫn tái diễn tình trạng quy hoạch manh mún, chồng chéo, kém hiệu quả, thiếu tính thị trường như bao lâu nay. Rằng Luật Quy hoạch chậm thông qua ngày nào sẽ ảnh hưởng đến tương lai phát triển của đất nước ngày ấy, thậm chí làm lỡ cả một thập kỷ phát triển ở phía trước.
Cuối cùng, nỗ lực đã được đền đáp. Vào ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV, Luật Quy hoạch - dự luật của cải cách và đổi mới - đã chính thức được thông qua và bắt đầu có hiệu lực vào những ngày đầu năm mới 2019. Biết rằng còn một khối lượng công việc khổng lồ đang chờ đợi ở phía trước, nhất là trong xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia theo hướng tích hợp, và chắc chắn mọi việc chẳng bao giờ là dễ dàng, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vui lắm. Ông nói rằng, có Luật Quy hoạch, sẽ có công cụ quan trọng để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, cũng như góp phần quan trọng thay đổi phương thức quản lý của Nhà nước - trước thiên về mục tiêu quản lý, giờ vừa quản lý vừa kiến tạo, phát triển. Những điều này sẽ đảm bảo cho Việt Nam một tương lai phát triển vững bền hơn trên con đường đi tới thịnh vượng.
Mà chẳng cứ với Luật Quy hoạch, còn thấy ông quyết liệt với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nền tảng để Việt Nam phát triển một hệ thống doanh nghiệp quốc dân vững mạnh. Thấy ông đau đáu làm sao để phát triển khu vực tư nhân, bởi cùng với đổi mới sáng tạo, thì đây cũng chính là chìa khóa cho sự phát triển của đất nước. Các nghị quyết số 19, hay nghị quyết số 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, về cải thiện môi trường đầu tư cũng đã được Chính phủ ban hành từ sự tư vấn chính sách của Bộ KH&ĐT...
Nhờ thế, mà năm qua, nhiều điều kiện kinh doanh được cắt bỏ, mở ra một chương mới cho sự phát triển của khu vực tư nhân Việt Nam. Cả dân tộc Việt Nam hồ hởi khi thấy VinFast đưa ô tô Việt thị trường thế giới, thấy sân bay Vân Đồn do Sun Group xây dựng được hoàn thành chỉ trong một thời gian ngắn… Còn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vẫn mong muốn làm sao để khu vực tư nhân trong nước lớn mạnh hơn nữa, kết nối được với khu vực nước ngoài, để không chỉ tối ưu hóa được lợi ích của dòng vốn đầu tư nước ngoài, mà còn thúc đẩy một nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, ông cứ mãi trăn trở điều đó. Vừa muốn dư luận không còn tiếp tục có cái nhìn sai lệch về khu vực này, vừa muốn khu vực tư nhân trong nước phát triển mạnh mẽ hơn, ông quyết liệt chỉ đạo xây dựng chiến lược mới trong thu hút và quản lý, sử dụng dòng vốn đầu tư nước ngoài.
“Để thực hiện các mục tiêu phát triển và tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, vượt qua ‘bẫy giá trị thấp’, ‘bẫy công nghệ thấp’ và ‘bẫy thu nhập trung bình’, thì định hướng thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, khuyến khích đổi mới sáng tạo và liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Phát triển khu vực tư nhân là một chuyện. Cũng chính Bộ KH&ĐT đã đề xuất việc hình thành Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, mở ra một bước đi quan trọng trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của các “quả đấm thép” của nền kinh tế… Ủy ban hoạt động hiệu quả sẽ là chìa khóa cho việc khơi thông, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, như “bài toán” mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã liên tục đặt hàng Bộ KH&ĐT, đặt hàng vị thuyền trưởng luôn không ngại đổi mới và cải cách Nguyễn Chí Dũng.
“Thực tế phát triển hơn ba thập kỷ qua của Việt Nam, kể từ khi đường lối đổi mới được thực hiện cho thấy, cải cách phải đi liền với phát triển, nếu chúng ta muốn đạt được các mục tiêu phát triển ngày càng mang tính bao trùm, bền vững hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Có lẽ, đó là lý do mà vào cuối năm 2018, lần đầu tiên, Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) được tổ chức, như một sự kế thừa của Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) và Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) trong bối cảnh phát triển mới, dưới sáng kiến của Bộ KH&ĐT.
Với Việt Nam, câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là làm thế nào để tận dụng triệt để mọi cơ hội, nhất là cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0, làm rõ các động lực tăng trưởng mới để tìm ra phương án tốt nhất cho bài toán tăng trưởng và phát triển của đất nước. Một cách chủ động, Bộ trưởng đã “đặt hàng” sự tư vấn chính sách của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Và ở kỳ VRDF thứ nhất, câu trả lời chính là “đổi mới sáng tạo và phát triển khu vực tư nhân là chìa khóa cho con đường đi tới thịnh vượng của Việt Nam”. Thật trùng hợp, đó cũng chính là con đường mà Bộ KH&ĐT đã tiên phong lựa chọn, để từ đó đề xuất các thể chế, chính sách nhằm khơi dậy và sử dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới này.
Bởi thế, nghe các chuyên gia trong và ngoài nước hiến kế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mỉm cười hài lòng. Bởi ông biết rằng, con đường tiên phong cải cách mà ông và Bộ KH&ĐT tư lựa chọn là đúng đắn cho sự phát triển của Việt Nam.
3. Gặp Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vào những ngày đầu năm mới 2019, thấy mắt ông lấp lánh niềm vui, còn nụ cười thì rạng rỡ hơn bao giờ hết. Vui là phải, bởi thành tựu kinh tế - xã hội năm 2018 thật đáng tự hào. Cả 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tăng trưởng GDP đã đạt tới 7,08%, còn lạm phát chỉ là 3,54%.
Nhưng trầm ngâm, ông chia sẻ rằng, vui đấy, nhưng cũng cảm thấy trách nhiệm nặng nề hơn. Bởi cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đều đã giao nhiệm vụ rằng, phải làm sao để năm 2019, mọi chỉ tiêu kế hoạch đều đạt mức cao hơn năm 2018. Năm 2019 phải là năm của tăng tốc, bứt phá.
Chẳng nhiệm vụ nào là dễ dàng. Tuy vậy, một khi nhiệm vụ đã được trao, thì với tư cách là “kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế”, Bộ KH&ĐT sẽ nỗ lực thực hiện, như bao nhiêu năm qua đã từng.
Thế nên, ngay từ đầu năm, đã thấy Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng quyết liệt yêu cầu các cán bộ của mình chuẩn bị tốt nhất các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2019. Hội nghị ngành cũng đã gấp rút được tổ chức. Năm 2018, lần đầu tiên Bộ KH&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai kế hoạch năm mới. Năm 2019, một lần nữa, hội nghị trực tuyến tiếp tục được tổ chức, như một lời khẳng định cho những nỗ lực cải cách và đổi mới của Bộ KH&ĐT.
Mấy năm gần đây, công tác lập kế hoạch đã được đổi mới mạnh mẽ. Thay vì cứ tháng 9, tháng 10 hàng năm, lần lượt các địa phương về Bộ để chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch năm, thì hai năm nay, việc họp bàn được tổ chức theo quy mô từng vùng, rồi sau đó là quy mô toàn quốc. Hội nghị trực tuyến toàn quốc được tổ chức không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn dễ dàng tìm được sự đồng thuận và quyết tâm cao hơn trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2016, vào thời điểm Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhậm chức, kinh tế - xã hội còn khó khăn lắm, tăng trưởng GDP chỉ 6,21%. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra cho năm 2017 lại lên tới 6,7%. Tình hình khó khăn đến nỗi, không ai nghĩ tăng trưởng GDP có thể đạt mục tiêu đề ra. Nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, bằng sự quyết liệt của mình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chỉ đạo xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế, rồi từ đó, hồi hộp theo dõi kết quả của từng tháng, từng quý, từng ngành, từng lĩnh vực. Hồi hộp đến tận những ngày cuối cùng của năm, để rồi tất cả vỡ òa trong cảm xúc vui mừng, phấn khởi khi tăng trưởng GDP năm 2017 vượt mọi dự báo - đạt 6,81%.
Vẫn giữ nguyên tinh thần ấy, năm 2018, ngay từ quý I, các kịch bản tăng trưởng kinh tế đã được xây dựng, để rồi quyết liệt và hiệu quả trong thực hiện, đưa tới một năm 2018 thành công toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2019, tinh thần quyết liệt ấy còn lớn hơn nữa, khi các kịch bản tăng trưởng kinh tế đã được xây dựng luôn cùng Nghị quyết số 01.
“Tôi tin rằng, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đề ra”. Nói như vậy, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vẫn không khỏi âu lo. Bởi ông bảo, không chỉ vì kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn còn ẩn chứa những rủi ro khôn lường, mà còn vì trọng trách của ông và Bộ KH&ĐT không chỉ là làm sao để năm nay tăng trưởng bao nhiêu, lạm phát thế nào nữa, mà là phải vì một tương lai phát triển bền vững hơn của nền kinh tế, vì tầm nhìn thịnh vượng vào năm 2035.
Có được điều này hay không, phụ thuộc rất lớn vào quá trình đổi mới, cải cách của Việt Nam, mà Bộ KH&ĐT phải là thành viên tiên phong, tích cực nhất. “Vì tương lai thịnh vượng của quốc gia, chúng tôi sẽ làm được điều đó”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng quả quyết và nói rằng, còn rất nhiều việc Bộ KH&ĐT phải làm. Từ tham mưu cho Chính phủ trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế đến đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động... trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Không nhiệm vụ nào là dễ dàng. Nhưng Bộ trưởng tin chắc, Việt Nam có thể mạnh mẽ hơn, để tiến về phía trước, để hành động quyết liệt và hiệu quả hơn. Một khi cả hệ thống chính trị cùng chung sức, chung lòng, Việt Nam sẽ làm được nhiều điều thần kỳ hơn…