Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân từng trả lời chất vấn trước Quốc hội về tính chính xác trong đánh giá cán bộ, công chức - Ảnh: QP |
Tiến độ sắp xếp các đơn vị hành chính chậm so với kế hoạch, lộ trình đề ra, nguyên nhân do đây là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày trong báo cáo mới gửi đến Quốc hội.
Lúng túng với người dôi dư
Tổng hợp số liệu từ 43 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ trưởng cho biết đã có 18 đơn vị hành chính cấp huyện được sắp xếp, giảm được 6 đơn vị. Còn 10 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp nhưng các địa phương đề nghị chưa tiến hành sắp xếp trong đợt này, Với cấp xã thì các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tiến hành sắp xếp đối với 1.025 đơn vị hành chính, giảm được 545 đơn vị. Còn 99 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp nhưng các địa phương đề nghị chưa tiến hành sắp xếp trong đợt này.
Sau sắp xếp trên, dự kiến sẽ dôi dư 428 cán bộ, công chức cấp huyện và 9.534 người cấp xã và 6.913 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Số dôi dư này các địa phương đều cam kết và có phương án, lộ trình chi tiết giải quyết chính sách dứt điểm, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện đã phản ánh về Bộ Nội vụ là gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, khó bảo đảm hoàn thành như cam kết.
Cụ thể, trong giai đoạn 2019 - 2021, chỉ giải quyết chính sách được cho công chức cấp huyện dôi dư là 146 người, công chức cấp xã dôi dư là 7.006 người số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 6.705 người .
Đối với số người dôi dư còn lại đến nay các địa phương vẫn còn lúng túng, chưa có phương án giải quyết.
Từ tính toán của các địa phương, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết khi tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính như trên thì dự kiến sẽ giảm chi ngân sách Nhà nước do giảm chi tiền lương, phụ cấp và chi hoạt động trong 5 năm tới (giai đoạn 2020 - 2024) là khoảng 1.431 tỷ đồng.
Có tư tưởng trì hoãn
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước. Việc sắp xếp nhằm mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương các cấp.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp.
Người đứng đầu ngành nội vụ phản ánh, nhiều địa phương phải thảo luận tại nhiều cuộc họp của ban chấp hành, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy. Sau đó, phải tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn, một số địa phương tổ chức lấy ý kiến lần 1 chưa đạt 50% đồng ý lại phải tiến hành tuyên truyền, vận động để tổ chức lấy ý kiến lần 2, tiếp đó cần phải được thông qua hội đồng nhân dân các cấp.
Mặt khác, việc sắp xếp thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2021, nhưng phải hoàn thành trong quý 1/2020 nên thời gian gấp, gần sát với thời điểm các địa phương chuẩn bị đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 (nhất là ở cấp xã). Vì vậy, các địa phương gặp nhiều lúng túng, khó khăn trong thực hiện,
Còn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến độ thực hiện sắp xếp vẫn chậm so với lộ trình kế hoạch đề ra. Đáng chú ý là trong số này, Thành phố Hồ Chí Minh xin lùi thời hạn sắp xếp sau khi tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai thực hiện sắp xếp do vẫn còn tâm lý không muốn giảm số lượng đơn vị hành chính ở địa phương mình.
Hạn chế nữa được Bộ trưởng nêu là vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức ở các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải sắp xếp chưa ủng hộ việc sáp nhập, có tư tưởng trì hoãn do lo lắng sẽ ảnh hưởng đến vị trí công tác sau khi sắp xếp.
Báo cáo về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng "hứa" sẽ thường xuyên phối hợp với các địa phương kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở các địa phương để giải quyết, tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ cũng sẽ rà soát các quy định pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn của đơn vị hành chính các cấp để báo cáo, trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yếu tố đặc thù như vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; phù hợp với điều kiện mới hiện nay, có dự báo trong tương lai để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị ở các địa phương và cả nước.