Đó là, bức tranh nông nghiệp không mang màu tối như những gì đại biểu phản ánh, không phải tất cả các mặt hàng đều “được mùa, mất giá” như dưa hấu, hành tím. Theo thống kê, trong 10 mặt hàng xuất khẩu 5 tháng đầu năm, thì có 5 mặt hàng giá xuống là gạo, cao su, cà phê, tôm và cá tra; có 5 mặt hàng lên giá là hạt tiêu, hạt điều, đồ gỗ, sắn và rau quả. Đáng chú ý, sắn lát xuất khẩu tăng tới 44%.
“Trước khi vào Quốc hội sáng nay, tôi đã gọi điện trao đổi với đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ, được biết, lúa, trái cây tại Cần Thơ năm nay được mùa, được giá. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cũng cho biết thông tin tương tự. Lúa được mùa nhưng giá thấp vì giá thế giới liên tục giảm, còn hồ tiêu được mùa, được giá”.
Với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) về hiện tượng thương lái đang thao túng đầu ra của sản phẩm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, khi Nhà nước cho ngư dân vay vốn để ra khơi sản xuất, ngư dân sẽ chủ động được nguồn vốn thì sẽ tránh được sự phụ thuộc vào vật tư, lương thực thực phẩm của thương lái và do vậy sẽ không bị thương lái ép giá. Qua thời gian đầu thực hiện chương trình, đến nay, nhiều ngư dân đã được vay vốn với số lượng ban đầu mà Bộ tổng hợp được là 23 tỷ đồng. Đồng thời hình thành những tổ đội sản xuất, hệ thống dịch vụ hậu cần để trực tiếp thu mua sản phẩm ngư dân đưa về bờ.
Xung quanh sự thiếu liên kết và hiện tượng nông sản được mùa mất giá, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các cấp định hướng sản xuất, cây trồng vật nuôi có thị trường, tiêu thụ tốt hơn. Hỗ trợ nông dân kỹ thuật, vốn để sản xuất các sản phẩm năng suất cao hơn, giá thành hạ hơn. Đồng thời phát triển mạnh hơn mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp. “Chỉ khi phát triển theo chuỗi như vậy với sự gắn kết thì sự tự phát sẽ được hạn chế”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi, làm gì để ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của đại biểu Trương Minh Hoàng (TP.HCM), Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắn: “Chúng ta đang thực hiện cơ chế thị trường nên tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng phải phù hợp với cơ chế thị trường. Việt Nam đã hội nhập sâu sắc với kinh tế thế giới nên phải định hướng phù hợp với thị trường nông sản thế giới. Thị trường luôn thay đổi, để đạt được sự ổn định tương đối có nghĩa rằng, chúng ta phải làm cho nền nông nghiệp nước ta bám sát và phản ứng nhanh nhạy với thị trường trong nước và quốc tế. Chúng ta không thể kỳ vọng có 1 thị trường luôn ổn định, giá cao dành cho các sản phẩm của nông nghiệp”.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, kinh nghiệm thích ứng thị trường, cách tốt nhất là lựa chọn và phát huy lợi thế của nước chúng ta, hỗ trợ bà con nông dân làm ra sản phẩm với chất lượng cao hơn, giá thành hạ hơn để hàng hóa có sức cạnh tranh cao hơn.
“Trong nước chúng ta vẫn tiếp tục hỗ trợ nông dân nâng cao sức cạnh tranh của nông sản, đặc biệt những khi thị trường biến động bất lợi; tháo gỡ khó khăn vướng mắc để doanh nghiệp tiêu thụ nông sản có hiệu quả, hỗ trợ bà con nông dân duy trì giá không bị giảm quá sâu để rồi thua lỗ và thực hiện được những giải pháp có thể giảm thiểu những tổn thất như: Vay vốn để vượt qua khó khăn; giúp nông dân sản xuất các loại nguyên liệu tốt nhưng yếu khâu chế biến. Trong giai đoạn tới, ngoài việc giúp bà con nông dân nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm cần tập trung vào khâu bảo quản - chế biến. Đó là giải pháp ứng phó với thị trường biến đổi”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Trong ngày chất vấn đầu tiên tại Hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời hơn 50 ý kiến của đại biểu Quốc hội về các giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; Tiêu thụ sản phẩm và quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững cây công nghiệp ở Việt Nam; Giải pháp hỗ trợ ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và phát triển ngư trường; Giải pháp phát triển thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại và đang đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Trách nhiệm và giải pháp xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, giảm sút kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh lưu thông hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đặc biệt là hàng nông sản; Thực trạng và giải pháp phát triển mạng lưới điện cho khu vực nông thôn; trách nhiệm quản lý nhà nước về giá điện gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.