Thời sự
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ "thành thật nhận trách nhiệm" để 191.000 sinh viên thất nghiệp
Hữu Tuấn - 16/11/2016 13:59
Tại phiên chất vấn tại Quốc hội ngày thứ hai, sáng nay 16/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm về việc để một lượng lớn sinh viên ra trường không có việc làm.
TIN LIÊN QUAN

Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) dẫn con số hơn 191.000 sinh viên sau khi tốt nghiệp không có việc làm, trong khi các địa phương vẫn đang tồn tại trường trung cấp, cao đẳng đào tạo nhờ ngân sách.

"Bộ trưởng cho biết giải pháp gì để tránh lãng phí kinh phí và nguồn lực được đào tạo, có nên duy trì cách thức đào tạo hiện nay?", đại biểu đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, không phải sinh viên nào ra trường cũng có việc làm. Ngay ở Đại học Harvard của Mỹ cũng vậy, cũng có nhiều cử nhân, kỹ sư thất nghiệp. Cử nhân học xong muốn được tuyển dụng, có việc làm cần qua quá trình thực tế, tuy nhiên, nội dung kiến thức kỹ năng nhà trường hết sức quan trọng để sinh viên ra trường không phải đào tạo lại, gây lãng phí. 

"Hiện 80% sinh viên ra trường có việc làm. Số sinh viên có việc làm ngay thì rơi vào nhóm trường cấp trên, có bề dày, có kinh nghiệm, thương hiệu và uy tín đào tạo. Còn phần lớn không có việc làm tập trung ở những trường mới thành lập, chất lượng yếu", Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Chúng tôi xin nhận trách nhiệm, trong nhiều trường hợp ngành giáo dục có lỗi trong việc để cho sinh viên ra trường không có việc làm. Ản: Đức Thanh

Về giải pháp khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nâng cao chất lượng giáo dục đại học, áp dụng chuẩn với trường và ngành để hỗ trợ trường yếu kém theo hướng trở thành trường thành viên của trường lớn, hoặc phân viện...Bộ đã làm việc với VCCI, với các doanh nghiệp để đào tạo bổ sung.

Bộ trưởng cũng cho hay, chỉ riêng ngành sư phạm hiện đã thừa nhiều cử nhân sư phạm, khoảng 70.000 người, Bộ sẽ cố gắng đào tạo bổ sung để sử dụng số giáo viên theo chuẩn, tránh lãng phí, để giáo viên theo nghề.

"Xưa nay chúng ta quan tâm quá nhiều đầu vào nhưng quan trọng là đào tạo và đầu ra. Vừa qua Bộ đã yêu cầu các trường báo cáo sinh viên tốt nghiệp có tỷ lệ việc làm là bao nhiêu. Tới đây, trường nào không báo cáo, báo cáo không đúng hoặc có việc làm không cao thì sẽ hạn chế đào tạo của những trường này. Còn về những nguyên nhân khác cần bộ ngành, địa phương có giải pháp về sử dụng lượng cử nhân này", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho biết, tới đây sẽ có các giải pháp, trong đó có học bổng với sinh viên là người dân tộc thiểu số học giỏi tự thi vào Đại học và sau Đại học. Bộ sẽ đề nghị các trường miễn học phí cho những đối tượng ưu tiên này. Hiện có nhiều quỹ học bổng thì có hỗ trợ. Còn chính sách chế độ trên mặt bằng chung.

"Số sinh viên này không nhiều nhưng là hạt nhân để sau này quay về phục vụ địa phương", Bộ trưởng cho biết.

Đối với phần trả lời này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) giơ bảng truy vấn và nói: "Tôi muốn hỏi trong số 191.000 sinh viên thất nghiệp thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có lỗi gì không? Cần phải mạnh dạn trả lời câu hỏi này. Tôi cho rằng nguyên nhân chính là đào tạo của chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu. Vai trò phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong quy hoạch, định hướng đào tạo nhân lực như thế nào?"

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đáp: "Đúng là thời gian qua sự phối hợp giữa hai bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - PV) còn hạn chế. Tới đây chúng tôi sẽ phối hợp tốt hơn. Về chất lượng đào tạo, chúng tôi xin nhận trách nhiệm, trong nhiều trường hợp là có lỗi trong việc để cho sinh viên ra trường không có việc làm. Cho dù chất lượng còn liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều yếu tố. Chúng tôi thành thật nhận trách nhiệm chứ không trốn tránh gì".

Tin liên quan
Tin khác