Đại biểu Đặng Thị Kim Chi - tỉnh Phú Yên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng chiều 18/11. Ảnh: Đức Thanh |
Theo đại biểu Đặng Thị Kim Chi, Đèo Cả và Đèo Cù Mông nằm ở 2 đầu tỉnh Phú Yên - là hai đèo tương đối nguy hiểm ở miền Trung bởi chiều dài và đường dốc quanh co, thường sụt lở, đá lăn trong mùa mưa gây ách tắc và thường xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Đối với Đèo Cả, cử tri hoan nghênh và đồng tình ủng hộ việc Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đã cho triển khai xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả theo phương thức đầu tư BOT và BT. Tuy nhiên, cử tri vẫn thắc mắc là hiện nay cử tri đã nộp phí đường bộ rồi, còn phần dự án BOT của đường bộ hầm Đèo Cả thì chưa thông, nhưng lại có hai trạm thu phí các phương tiện lưu thông ở phía Bắc và phía Nam cách nhau khoảng 40 km. Đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao cho thu phí tại hai trạm thu phí này trong khi hầm chưa thông?
Đại biểu Đặng Thị Kim Chi hỏi thêm: Đối với Đèo Cù Mông, xin Bộ trưởng cho biết Bộ có chủ trương gì trong việc làm hầm đường bộ qua đèo Cù Mông để tạo đồng bộ về cơ sở hạ tầng giao thông trên Quốc lộ 1A và giảm thiểu tai nạn giao thông.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Thị Kim Chi, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: đại biểu nêu rất đúng và đây cũng là một điều ông hết sức quan tâm. Đó là việc cùng với cải tạo, mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A, ngoài Đèo Hải Vân đã được làm hầm trước đây thì hiện nay còn một số đèo như Đèo Phước Tượng, Phú Gia, Đèo Cả, Đèo Cù Mông. Đèo Phước Tượng, Phú Gia hiện nay cũng đang được triển khai đầu tư theo hình thức BOT và dự kiến cuối năm nay sẽ thông hầm, ngày 30 tháng 6 năm 2015 sẽ đưa vào khai thác.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng tự tin trả lời câu hỏi khó của đại biểu Quốc hội (Ảnh: Đức Thanh) |
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, dự án Đèo Cả cũng đã được sự đồng ý của Chính phủ cho phép đầu tư bằng hình thức BOT và BT, tuy nhiên đây là một dự án rất lớn, tổng số vốn đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng, trong đó 10.000 tỷ đồng là BOT và 5.000 tỷ là BT. Do đó các phương án tài chính đưa ra giữa Bộ Giao thông và nhà đầu tư đều không thực hiện được nếu không có sự tham gia của nhà nước, trong khi vốn của nhà nước để tham gia vào dự án này lại không có. Bộ Giao thông vận tải đã cùng chủ đầu tư trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và thống nhất đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng 2 trạm thu phí hai đầu, coi như một phần vốn góp của nhà nước để đầu tư dự án này và nhận phương án tài chính mới khả thi.
“Về mặt tổng số thời gian thu phí không đổi, cũng không ảnh hưởng gì đến hợp đồng ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư. Vì vậy việc đặt hai trạm thu phí ở hai đầu như hiện nay là cũng phù hợp với quy định của pháp luật, nó cũng là giải pháp đột phá để thực hiện được dự án này, nếu không sử dụng hai trạm thu phí đó thì dự án Đèo Cả cũng chưa biết bao giờ chúng ta mới có thể triển khai được.
Về vấn đề Đèo Cù Mông đại biểu nêu cũng rất đúng, đây cũng là một đèo gây rất nhiều tai nạn giao thông, chúng tôi cũng hết sức trăn trở tìm nguồn vốn để đầu tư, cũng khó khăn nhưng cũng rất may là vừa rồi cùng nhà đầu tư, Bộ Giao thông vận tải có rà soát lại thiết kế của hầm Đèo Cả, thuê tư vấn thiết kế của Pháp thiết kế lại, làm mới hướng tuyến cũng như các cầu dẫn vào hầm thì tiết kiệm được một cây số đường hầm, cũng như hướng tuyến tiết kiệm được khoảng 3.000 tỷ đồng và dự án Đèo Cù Mông thì dự kiến khoảng 3.500 tỷ đồng”, Bộ trưởng Đinh La Thăng lý giải.
Thông tin thêm với các đại biểu Quốc hội về tình hình triển khai dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: hiện nay chúng tôi đã đồng ý cho nhà đầu tư bỏ tiền ra tự nghiên cứu, nếu được thì Bộ Giao thông vận tải sẽ trao đổi với các bộ có liên quan để thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép nhà đầu tư Đèo Cả sử dụng vốn dư của dự án Đèo Cả để tiếp tục đầu tư Đèo Cù Mông. Như vậy cùng với việc hoàn thành toàn tuyến Quốc lộ 1, các dự án đầu tư mở rộng đào hầm ở các tuyến đèo này sẽ hoàn thành chậm nhất vào năm 2017 khai thác đồng bộ cho tuyến và góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Quang Hà