Theo thông tin từ “tư lệnh” ngành giao thông, hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành giao thông sau cổ phần hoá đều có lãi, năng lực tài chính tốt hơn. |
Giải trình trước Quốc hội về câu chuyện cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành giao thông chiều nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay, cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước là chủ trương đúng đắn, chấp hành chỉ đạo đó, ngành giao thông vận tải đã tập trung đẩy mạnh cổ phần hóa, trong quá trình triển khai, trong giai đoạn 2011-2016, với đặc thù của ngành đã có những thuận lợi nhất định.
Theo thông tin từ “tư lệnh” ngành giao thông, hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành giao thông sau cổ phần hoá đều có lãi, năng lực tài chính tốt hơn.
Cụ thể, theo thống kê, giai đoạn 2011 – 2016, 18 tổng công ty chuyển sang mô hình công ty cổ phần ghi nhận doanh thu tăng 15%, lãi sau thuế tăng 194%, thu nhập người lao động tăng 32% trong 4 năm.
“Mặc dù doanh thu tăng không nhiều nhưng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa tăng mạnh, tới 194%, bình quân tăng hơn 40%/năm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nói thêm về thuận lợi trong công tác cổ phần hóa giai đoạn 2011-2016, ông Thể cho biết, giai đoạn này, chúng ta có nhiều dự án trọng điểm về đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp với những thuận lợi nhất định và cho hiệu quả tốt.
Đã có 137 doanh nghiệp được cổ phần hóa, vượt 67 doanh nghiệp do với chỉ tiêu được giao.
“Chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, thực hiện các khâu đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Thành ra, tất cả các doanh nghiệp khi niêm yết và bán cổ phần lần đầu ra công chúng đều được giá cao. Đơn cử, 12 Tổng công ty thu về hơn 2.700 tỷ đồng, tăng 600 tỷ so với định giá ban đầu (2.153 tỷ đồng). 133 doanh nghiệp trực thuộc các Tổng công ty cũng thu về được 2.785 tỷ đồng, tăng 632 tỷ đồng so với định giá ban đầy là 2.153 tỷ đồng”.
Với những kết quả mà ngành giao thông vận tải đạt được sau cổ phần hóa là khả quan, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, hầu hết các doanh nghiệp giao thông sau cổ phần hóa đều làm ăn hiệu quả và tốt hơn trước, cho thấy, chủ trương cổ phần hóa giai đoạn tới cần được đẩy mạnh hơn nữa. Theo đó, những lĩnh vực nào tư nhân làm được, làm tốt thì cần đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước, chỉ giữ lại những lĩnh vực liên quan tới an ninh, quốc phòng.