Đích thân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì họp báo giải đáp các vấn đề liên quan đến các dự án BOT |
Ngay trước khi bắt đầu cuộc họp báo về triển khai nhiệm vụ, công tác của Bộ Giao thông vận tải năm 2018 và một số vấn đề liên quan đến BOT, Bộ trưởng Thể cho biết, lúc 6g30 sáng nay, đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo các bộ, ngành để giải quyết các vấn đề liên quan đến các trạm thu giá BOT – vấn đề kinh tế đang có nguy cơ phát sinh thành bất ổn xã hội.
Cuộc họp báo đột xuất được tổ chức chiều 18/1 có sự tham gia của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ đường sắt.
Theo Bộ GTVT, thời gian vừa qua, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với các địa phương, Nhà đầu tư đã giảm giá cho các trạm trên toàn quốc tương tự như 6 trạm nêu trên, đến nay Bộ GTVT đã miễn, giảm giá cho các phương tiện khu vực lân cận trạm thu giá tại 51 dự án/55 dự án đã khai thác. Tuy nhiên tình hình mất an ninh trật tự tại các trạm thu giá có chiều hướng phức tạp, không bảo đảm trật tự ATGT và gây ùn tắc giao thông; có một số nhóm đối tượng coi thường pháp luật ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, quyền và lợi ích chính đáng của những người dân tuân thủ pháp luật, điển hình tại Trạm thu giá Cai Lậy, Trạm Trảng Bom - Biên Hòa, Trạm Sóc Trăng.
Đến nay, việc phản ứng của một nhóm tài xế ngày càng manh động, lan rộng đến cả những trạm thu giá của dự án khác, kể cả các dự không đầu tư xây dựng tuyến tránh như: Trạm Cần Thơ - Phụng Hiệp, trạm Sông Phan - tỉnh Bình Thuận, trạm phía Bắc tỉnh Khánh Hoà, Trạm Ninh An, Trạm Cam Thịnh..., trong đó rõ nhất là hành vi một số lái xe có hành vi cản trở các phương tiện qua trạm, cố tình không mua vé và gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến. Một số lái xe cố tình điều khiển xe tông hỏng barier để vượt trạm; đỗ xe trong phạm vi trạm để lau chùi, rửa xe; quay lại đòi lại tiền đã mua vé với lý do có xe đi sau không phải mua vé khi xả trạm.
Đặc biệt, hiện tượng đáng chú ý là có một số đối tượng lôi kéo, kích động lái xe phản đối việc mua vé; cản trở các tài xế mua vé hoặc đe dọa nhân viên bán vé lặp lại nhiều lần tại các trạm thu giá từ Miền Trung đến các tỉnh Tây Nam Bộ gây ùn tắc, mất an ninh trật tự ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của những công dân tuân thủ pháp luật.
Bộ trưởng Thể khẳng định, bên cạnh việc xử lý dứt điểm những bất cập tại một số dự án BOT, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, địa phương luôn trân trọng, lắng nghe kiến nghị của các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân về điều chỉnh các mức giá sử dụng đường bộ hợp lý cho từng đối tượng sử dụng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và nhà nước.
Tuy nhiên, ông Thể cũng cho biết là các cơ quan chức năng của Bộ, ngành và địa phương cần xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng các kiến nghị của người dân để có hành vi chống phá, kích động, cản trở giao thông tại khu vực trạm theo đúng chỉ đạo tại Công điện mới đây của Thủ tướng Chính phủ.
“Các đối tượng gây rối, cầm đầu kích động, Bộ Công an sẽ phối hợp trích xuất camera, nếu đúng là vi phạm thì xử lý để các trạm BOT không thành điểm nóng”, ông Thể nhấn mạnh
Bộ trưởng Bộ Giao thông thông tin, hiện Bộ này đã dừng nhiều dự án BOT chậm tiến độ, không làm những dự án BOT trên đường cũ thì không lặp lại BOT như Cai Lậy. Dự án BOT Cai Lậy triển khai trước năm 2016 nên có yếu tố lịch sử. Khi hoàn thành thì vận hành theo chủ trương khi đàm phán thực hiện. Những bất cập như Cai Lậy hay các dự án khác được xem xét xử lý cụ thể. Chính phủ sẽ xem xét tổng thể hoặc riêng lẻ với từng dự án.
Về trách nhiệm khi ký hợp đồng BOT Cai Lậy khi còn là thứ trưởng, Bộ trưởng Thể khẳng định bản thân không tư túi, lợi ích nhóm trong dự án này và "không làm cong, bẻ sai". Phán quyết thế nào thì thanh tra, kiểm toán, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang vào cuộc xem xét toàn bộ dự án BOT quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ công bố trong thời gian tới đây.