Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đã báo cáo Thủ tướng về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và yêu cầu các đơn vị của Bộ khẩn trương đề xuất giải pháp cho Việt Nam. |
Thông tin tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đã báo cáo lên Thủ tướng về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Đây là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều khía cạnh, diễn ra giữa 2 siêu cường kinh tế và ít nhiều đều ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của Việt Nam, bởi Mỹ và Trung Quốc đều là 2 đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
"Khi Mỹ áp hàng chục sắc thuế với hàng hóa Trung Quốc hoàn toàn có thể dẫn đến nguy cơ hàng hóa Trung Quốc sẽ chảy vào các thị trường khác, trong đó có Việt Nam và chúng ta cần đặt ra vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề này. Hơn hết, các Bộ, ngành liên quan phải cùng vào cuộc để có những giải pháp phù hợp”, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh .
Bộ Công Thương đã có đánh giá chung và đã có những đề xuất ban đầu trong Báo cáo gửi Thủ tướng về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Theo vị Tư lệnh ngành Công thương, từ cuộc chiến này đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu. Chúng ta cần định hướng rất rõ, nâng cao chiến lược xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cả về chiều rộng và chiều sâu.
Mặc dù Việt Nam đã có chính sách tự vệ với thép. Tuy nhiên còn rất nhiều mặt hàng có nguy cơ như dệt may, da giày, đồ gỗ… có thể chịu ảnh hưởng lớn từ hàng hóa Trung Quốc, khi các mặt hàng này tràn từ Trung Quốc vào Việt Nam.
“Chúng ta cần có biện pháp cả về nghiên cứu thị trường, tổ chức trong triển khai thực hiện. Cần đánh giá được tầm vóc của nguy cơ đó và đưa ra đề xuất. Cũng cần làm tốt thông tin thị trường, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, tăng cường kiến tạo cho doanh nghiệp trong giai đoạn tới”, ông nói.
Trước nguy cơ bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, Chính phủ và các Bộ ngành cần cẩn trọng theo dõi sát tình hình, chủ động ứng phó...để đưa ra khuyến cáo kịp thời tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Lộc nói đây là cách duy nhất để kịp thời phát hiện các dòng chuyển hướng thương mại, đầu tư, từ đó có biện pháp thích hợp nhằm tận dụng cơ hội hoặc ngăn chặn các nguy cơ. Từ các thông tin này của Chính phủ, doanh nghiệp sẽ chủ động điều chỉnh sản xuất, tìm kiếm thị trường, đối tác hay cân nhắc sử dụng hoặc đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong, ngoài nước.
"Cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... tổng hợp, phân tích nguy cơ, cơ hội với nền kinh tế và các ngành; thông tin kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp", ông Lộc đề nghị.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã chính thức bắt đầu từ ngày 6/7/2018 sau tuyên bố áp thuế nhập khẩu 25% với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc của chính quyền ông Donald Trump có hiệu lực. Ngay sau đó, phía Trung Quốc nhanh chóng trả đũa bằng gói thuế quan 25% tương tự nhằm vào 545 hàng hóa Mỹ - từ ôtô tới nông phẩm, cũng trị giá 34 tỷ USD.
Hàng hóa Trung Quốc gặp khó khăn ở thị trường Mỹ sẽ là cơ hội để các nước khác, trong đó có Việt Nam - xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm cách xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam và ngay từ lúc này, các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi và có các giải pháp phù hợp để chủ động ứng biến.