Thời sự
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói gì về sai phạm dự án 8B Lê Trực trước Quốc hội?
Hà Nguyễn - 03/11/2015 15:52
Hồi đáp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định vụ việc ở 8B Lê Trực là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Và từ vụ việc này, lãnh đạo các địa phương tập trung chỉ đạo để nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng, đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM.

Không phải là trả lời chất vấn, nhưng trước các câu hỏi được các đại biểu Quốc hội đặt ra tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã lên tiếng về những sai phạm tại công trình xây dựng số 8B Lê Trực (Hà Nội).

Cụ thể, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, công trình xây dựng số 8B Lê Trực được UBND TP. Hà Nội cho phép và Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép với chiều cao giật cấp phía trước cao 44m và phía sau cao tối đa 53m kể cả tum.

Tuy nhiên, trong xây dựng chủ đầu tư là Công ty May Lê Trực đã xây dựng công trình sai phép, cao tới 69 m, vượt quá cao so với giấy phép.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Dự án 8B Lê Trực vi phạm pháp luật nghiêm trọng

Trước thực tế này, ngày 26/10/2015, Thường trực Chính phủ đã họp với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ để nghe báo cáo về sai phạm của công trình 8B Lê Trực. Và Thủ tướng Chính phủ đã kết luận, vụ việc sai phạm tại 8B Lê Trực là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thể hiện sự hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý trật tự xây dựng.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Thủ tướng cũng đã khẳng định sai phạm của chủ đầu tư là Công ty May Lê Trực, đồng thời yêu cầu để giữ nghiêm kỷ cương, thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý quy hoạch đầu tư xây dựng, trật tự đô thị.

“Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội kiểm tra để đánh giá đúng hành vi, mức độ vi phạm của chủ đầu tư so với giấy phép giấy dựng, thực hiện xử phạt nghiêm minh theo đúng quy định; yêu cầu chủ đầu tư trình cơ quan có thẩm quyền phương án và nêu thời hạn cụ thể thực hiện khắc phục sai phạm”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói và cho biết, Thủ tướng cũng đã yêu cầu phá dỡ công trình nhưng phải đảm bảo an toàn, đảm bảo mỹ quan và đảm bảo những yêu cầu trong quá trình thực hiện để đảm bảo an toàn trong việc xây dựng.

“Từ vụ việc sai phạm tại 8B Lê Trực, Bộ Xây dựng chúng tôi cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo các địa phương tiếp tục chỉ đạo, tập trung để nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng, đặc biệt trong đó có quản lý đô thị, nhất là những đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, TP.HCM”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, điều cần quan tâm trước tiên là công tác quy hoạch và cụ thể hóa những quy hoạch chung để đến quy hoạch chi tiết, trong đó đặc biệt quan tâm đến thiết kế đô thị để có một khung quản lý không gian đô thị một cách phù hợp, hài hòa, vừa đảm bảo được hiệu quả đầu tư, nhưng đồng thời đảm bảo được cảnh quan kiến trúc, để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần của người dân.

Trong khi đó, liên quan gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, hiện nay gói hỗ trợ này triển khai rất nhanh. Và chắc chắn, khi có nguồn cung nhà ở xã hội và cung nhà ở bình dân nhiều thì sẽ hết, vì thế nhiều đại biểu lo ngại “nếu hết gói hỗ trợ này thì có còn gì nữa không”.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời rằng, trong Luật Nhà ở đã nói rất rõ và Nghị định của Chính phủ số 100 mới ban hành cũng đã nói rõ: Nhà nước có chính sách để hỗ trợ trực tiếp cho những doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội và người dân mua nhà ở xã hội được vay nguồn vốn với lãi suất ưu đãi  và Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ định các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện việc này.

“Như vậy, việc hỗ trợ cho người dân để vay mua nhà với lãi suất thấp là một công việc lâu dài chứ không chỉ gói 30.000 tỷ đồng. Gói 30.000 tỷ đồng là gói hỗ trợ được thực hiện khi thị trường bất động sản khó khăn. Nếu hết gói này, Chính phủ sẽ tiếp tục có một chương trình dài hạn cho người dân vay với lãi suất thấp để cải thiện nhà ở”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

 

Tin liên quan
Tin khác