Cũng như tất cả người dân đang sử dụng Internet, điện thoại di động, mạng xã hội, các đại biểu Quốc hội đều là nạn nhân của tin nhắn rác, phải đọc thông tin thất thiệt, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội. Vì vậy, chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn vào chiều nay (18/4/2017), những nội dung này được hầu hết các đại biểu đặt ra.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Sỹ Cương khá bức xúc trước các hành vi đăng tải thông tin sai sự thật; bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. |
“Nguy hiểm hơn, nhiều người có hành vi xấu còn lập tài khoản trên facebook giả danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đăng tải những thông tin xấu, thông tin độc hại trên đó. Tôi có hỏi nhiều người dân, họ nói là những điều họ biết là đọc được trên facebook của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhưng không biết rằng đây là những tài khoản giả mạo”, ông Cương bức xúc.
Đề cập đến sim rác là nguồn gốc dẫn đến tin nhắn rác, ông Cương cho rằng, gần đây do Bộ Thông tin và Truyền thông mạnh tay xử lý nên đã giảm, tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn diễn ra khá phổ biến khiến người sử dụng điện thoại di động bị phiền hà, thậm chí như tra tấn.
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng không ngại chỉ thẳng một số chương trình gameshow của VTV và nhiều đài truyền hình cả trung ương lẫn địa phương rất phản cảm, thiếu văn hoá. “Nhiều người dân bảo tôi, xem gameshow của các đài truyền hình thà xem chương trình... thế giới động vật còn hơn”.
Đề cập đến vấn đề thông tin trên Internet, ông Tạo thẳng thắn: “Thông tin vu khống, bôi nhọ, kích động bạo lực, thù hằn, dung tục... nói chung là thông tin độc hại nhiều hơn thông tin bổ ích, thông tin chính thống rất nhiều”.
“Tôi cũng là nạn nhân của tin nhắn rác. Tôi cũng vô cùng bức xúc trước những thông tin “bỏng mắt”, “đắng lòng”, “rơi lệ”... quá nhiều trên Internet”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ.
Vẫn theo người đứng đầu ngành thông tin - truyền thông, thông tin thất thiệt, bôi nhọ, phản cảm, gây thù hằn, chia rẽ khối đoàn kết... trên Internet là vấn đề nóng ở tất cả các nước trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.
Thế giới ngày nay đang bùng nổ thông tin cùng với sự phát triển công nghệ. Internet, mạng xã hội giúp cho mọi cá nhân trên toàn cầu chia sẻ thông tin, bày tỏ quan điểm, thái độ trước mọi vấn đề của cuộc sống. Có nước coi mạng xã hội là một trong những quyền lực của xã hội. Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng người sử dụng mạng xã hội cao nhất trên thế giới với hơn 45 triệu người có tài khoản facebook và là một trong 10 nước sử dụng youtube cao nhất thế giới.
“Mạng xã hội là sân chơi vô cùng hữu ích cho con người. Chúng ta đang hội nhập nên sự bùng nổ mạng xã hội là tất yếu. Chúng ta không hạn chế Internet, mạng xã hội mà phải biết tận dụng công nghệ thông tin để phát triển kinh tế - xã hội, giúp mọi người gắn kết, chia sẻ với nhau trong thời đại công nghệ số. Có thể hình dung Internet cũng như con đường. Trong đó có cả người tốt và kẻ xấu cùng đi. Người tốt đem thông tin tốt đến cho xã hội; kẻ xấu đem thông tin độc hại, phản cảm, gieo rắc sự thù hằn đến mọi ngõ ngách của cuộc sống. Các nước trên thế giới cũng đang đau đầu với thông tin trên mạng, vì trên mạng, người ta có thể chửi bới nhau, thoá mạ nhau, đưa hình ảnh, clip khiêu dâm, bạo lực gây hoang mang cho xã hội”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.
Thông tin trên mạng Internet đến từ 4 nguồn khác nhau, gồm tin của các cơ quan báo chí; tin của các trang thông tin điện tử tổng hợp; tin do người sử dụng facebook, youtube, twitter; và tin từ nước ngoài đưa vào qua Internet từ máy chủ đặt ở nước ngoài.
Đối với tin do cơ quan báo chí cung cấp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định gần đây đã tương đối chấp hành đúng Luật Báo chí, tuy nhiên, thông tin chưa đúng sự thật, thông tin giật gân, câu khách, mô tả tỉ mỉ, chi tiết các hành vi bạo lực và thông tin “đắng lòng”, “bỏng mắt” vẫn còn.
“Với cơ quan báo chí, nhà báo vi phạm, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm minh, nhẹ thì cảnh cáo, nặng hơn nữa thì rút thẻ nhà báo, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, đình chỉ phát sóng, phát hình”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thông báo.
Đối với trang tin điện tử tổng hợp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn một lần nữa khẳng định đây chỉ là thông tin có tính chất báo chí chứ không phải là báo chí, tức là khi đăng lại tin phải dẫn nguồn tin phát hành.
“Chúng tôi tiếp tục chấn chỉnh mạng thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng nào tự ý sản xuất tin bài, tổng hợp tin bài trên các báo như thông tin của mình sẽ bị xử lý. Ngay cả những trang tin dẫn lại tin bài của cơ quan báo chí, nếu tin bài đó bị xử lý thì trang tin dẫn lại cũng bị xử lý”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Còn đối với thông tin trên facebook, youtube, twitter do người dân sử dụng tài khoản cá nhân tự đưa lên, nếu vi phạm thuần phong mỹ tục, phản cảm; bội nhọ danh dự danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác; gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động bạo lực, khiêu dâm… trong trường hợp tìm ra được nhân thân người đưa tin sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, năm 2015, Bộ đã xử lý 15 trường hợp; năm 2016 xử lý 4 trường hợp và trong 3 tháng đầu năm nay đã xử lý 10 trường hợp cá nhân đưa thông tin xấu lên facebook, youtube, twitter đã phát hiện được danh tính người tung tin, clip. Còn trong trường hợp không tìm được danh tính người tung tin, clip, Bộ yêu cầu các trang mạng nước ngoài gỡ bỏ, nhất là đối với thông tin không đúng về tình hình chính trị, bôi xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, địa phương.
Đối với nguồn tin từ nước ngoài đưa vào mà không đúng sự thật, đặc biệt là bóp méo sự thật, thổi phồng sự thật với ý đồ xấu, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các nhà cung cấp mạng nước ngoài như Google, Facebook, Twitter gỡ bỏ trên nền tảng công nghệ của họ.
Chia sẻ trước các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay bản thân ông cũng rất phản cảm với nhiều gamesshow trên truyền hình như “Cuộc đua kỳ thú”, “Người dấu mặt”... vì các gameshow này có không ít hình ảnh phản cảm, sai sự thật. “Chúng tôi kiên quyết xử lý đối với các gameshow vi phạm, nhẹ thì nhắc nhở, yêu cầu cải chính, xin lỗi độc giả và những người có liên quan, nặng thì tạm đình chỉ, đình chỉ phát sóng”, ông Tuấn khẳng định.
Nhắc lại chuyện Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị nhắn tin đe dọa, ông Tuấn thừa nhận, sau khi kiên quyết thu hồi 20 triệu sim rác, tình trạng sim rác vẫn còn là vấn nạn. Nguyên nhân của sim rác dẫn tới tin nhắn rác là do lợi ích của nhà mạng muốn phát triển mạng viễn thông; lợi ích của đại lý phát hành sim kích hoạt trước; và lợi ích của người tiêu dùng được sử dụng dịch vụ viễn thông rẻ.
“Để giải quyết vấn đề này chúng tôi xử lý từ đầu nguồn tức là xử lý nhà mạng phát hành sim kích hoạt trước. Đối với doanh nghiệp viễn thông thuộc Bộ, chúng tôi sẽ điều chuyển người đứng đầu doanh nghiệp nếu tiếp tục để diễn ra sim rác, tin nhắn rác. Đối với người sử dụng, chúng tôi yêu cầu các nhà mạng giảm khuyến mại thuê bao trả trước, tăng khuyến mại thuê bao trả sau”, ông Tuấn đưa ra hướng xử lý.