Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV theo Công văn số 3864/VPCP-QHĐP ngày 23/6/2022 của Văn phòng Chính phủ về vấn đề quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất. Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị quy định các loại quy hoạch phải lập, thẩm định, phê duyệt để quản lý; Luật Đất đai cũng quy định lập quy hoạch sử dụng đất.
Theo đó, ý kiến của cử tri tỉnh Lâm Đồng cho rằng, Quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị là tổ chức không gian sống, sản xuất, sinh hoạt và đáp ứng các nhu cầu hoạt động của dân cư trong vùng quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch tổ chức không gian và xác định các chức năng từng khu vực khi bố trí sử dụng đất khu chức năng đó. Vì vậy, trong thành phần quy hoạch đô thị đã có quy hoạch sử dụng đất thể hiện ở nội dung cân bằng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất.
Từ đó, cử tri tỉnh Lâm Đồng đề xuất: “Đối với khu vực đô thị đã có quy hoạch chung đô thị thì không phải làm quy hoạch sử dụng đất mà chỉ lập kế hoạch sử dụng đất. Việc này sẽ khắc phục hai vấn đề thực tiễn, gồm khắc phục tình trạng chồng chéo giữa hai loại quy hoạch này mà hiện nay đang làm điểm nóng trong quản lý đất đai; tiết kiệm ngân sách cho công tác quy hoạch”.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho rằng, Quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị, đồ án quy hoạch xây dựng.
Đây là một trong những công cụ hữu hiệu để thực hiện công tác quản lý nhà nước, điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và trong việc chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, đảm bảo quốc phòng - an ninh, môi trường, phát triển bền vững, là một trong những cơ sở để xây dựng các chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư.
Quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng được lập theo thẩm quyền, trình tự, quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng (Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, quy định chi tiết thi hành). Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập theo quy định pháp luật về đất đai (Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết thi hành).
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn sự sai khác, mâu thuẫn giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng với quy hoạch sử dụng đất do các yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó có sự thiếu đồng bộ trong các quy định của pháp luật về xây dựng, đô thị và đất đai.
Bộ Xây dựng xin tiếp thu ý kiến của cử tri để phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh các quy định cho phù hợp trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và pháp luật có liên quan trong thời gian tới.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang thực hiện rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, chủ trì lập hồ sơ đề nghị, xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn theo Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và phân công của Chính phủ (dự kiến trình Quốc hội dự án Luật năm 2023-2024).
Các tồn tại, hạn chế, bất cập của quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và pháp luật có liên quan sẽ tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện trong quá trình xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.