Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, ngày 10/5 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có một ca bị phản vệ sau tiêm chủng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca.
Tình trạng hiện tại của bệnh nhân: đang an thần thở máy, huyết động ổn định nhờ các thuốc vận mạch. |
Người bị phản vệ là nữ điều dưỡng 31 tuổi của Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh nhân không có tiền sử dị ứng, đã được khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng.
Sau khi tiêm, bệnh nhân bị ù tai, khó thở, đã được xử lý theo đúng phác đồ và sau đó được cấp cứu tại Khoa Hồi sức tích cực, Chống độc Bệnh viện Đà Nẵng.
Tình trạng hiện tại của bệnh nhân: đang an thần thở máy, huyết động ổn định nhờ các thuốc vận mạch.
Trước đó, ngày 7/5 đã xảy ra vụ việc đáng tiếc là nữ nhân viên y tế tại tỉnh An Giang tử vong sau tiêm vắc-xin Covid-19.
Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm). Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.
Với gần 100.000 liều vắc-xin đã được tiêm, thống kê trên diện rộng các phản ứng sau tiêm vắc-xin Covid-19, thông tin từ Bộ Y tế cho hay, ghi nhận tại các điểm tiêm chủng cho biết đến nay có 16% phản ứng thông thường sau tiêm như đau tại chỗ, sốt nhẹ… Triệu chứng này hết sau 24h. Tỷ lên này thấp so với các nước trên thế giới.
Về hiệu quả bảo vệ của vắc-xin Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiệu quả của vắc-xin phòng Covid-19 đã được thế giới công nhận. Tuy nhiên, không một loại vắc-xin nào đạt hiệu quả 100%.
“Vẫn có nguy cơ sau tiêm vắcx-xin, người tiêm vẫn có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nếu đã tiêm vắc-xin mà mắc Covid-19 thì bệnh sẽ nhẹ đi”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Quan điểm của TS. Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền bắc, Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho hay, việc tiêm vắc-xin chính là bảo vệ người được tiêm khỏi mắc thể nặng và phải nhập viện. Theo đó, sau khi tiêm mũi 1, hiệu quả phòng các thể của Covid-19 đạt mức 50-70%. Ở liều thứ 2, hiệu quả bảo vệ lên tới trên 80%.
Cho đến thời điểm này, theo TS. Thái, vắc-xin được sử dụng tại Việt Nam đã được chứng minh trên thực địa khi chưa có trường hợp tiêm đủ hai mũi nào bị bệnh nặng hay tử vong.
Không chỉ vắc-xin Covid-19, theo đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thực tế tiêm chủng nhiều năm qua ở Việt Nam cũng như thế giới, đã cho thấy rất nhiều trường hợp được ghi nhận bị nhiễm virus sau khi tiêm vắc-xin, nhất là khi mới chỉ tiêm một mũi vắc-xin. “Do không thể bảo đảm phòng nhiễm virrus 100%, người được tiêm vẫn có thể nhiễm và là nguồn lây cho những người khác", TS. Thái thừa nhận.