Trong công văn gửi địa phương vào cuối tháng 4, Bộ Y tế cho biết, những năm qua từ ngân sách trung ương do Bộ Tài chính bố trí, Bộ Y tế đã mua sắm vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, vitamin A cho trẻ dưới 5 tuổi, thuốc ARV (dự phòng và điều trị HIV), thuốc chống lao cho người không có thẻ bảo hiểm y tế.
Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng, báo cáo UBND địa phương bố trí kinh phí và tổ chức mua sắm, không để thiếu thuốc, vắc-xin. |
Trong đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương mua vắc-xin DPT-VGb-Hib (vắc-xin 5 trong 1 phòng 5 bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) theo cơ chế đặt hàng, đấu thầu.
Ngoài ra, Cục Phòng chống AIDS mua thuốc ARV. Viện Dinh dưỡng mua vitamin A, còn Bệnh viện Phổi Trung ương mua thuốc chống lao.
DPT là vắc-xin tiêm cho trẻ, thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Vắc-xin sau khi mua được Bộ Y tế cấp phát đến các địa phương để tổ chức tiêm miễn phí cho trẻ.
Từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách nữa mà đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách. Trong bối cảnh này, một số ý kiến đề xuất phương án giải quyết, tuy nhiên Bộ Y tế cho rằng đều không khả thi.
Theo Bộ Y tế, có nhiều ý kiến đề nghị tổ chức đấu thầu tập trung mua sắm các loại vắc-xin, thuốc trên, hoặc thực hiện đàm phán giá.
Tuy nhiên, không thể tổ chức đấu thầu tập trung hay đàm phán giá do Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số đã chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên từ năm 2023.
Các đơn vị sản xuất vắc-xin trong nước đang trực thuộc Bộ, nên không bảo đảm tư cách hợp lệ để tham gia đấu thầu tập trung vắc-xin nội địa cho tiêm chủng mở rộng.
Còn phương án đặt hàng tập trung những vắc-xin này để ký thỏa thuận khung, xác định giá thống nhất và các địa phương ký hợp đồng, thì hiện chưa có quy định.
Do đó, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng, báo cáo UBND địa phương bố trí kinh phí và tổ chức mua sắm, không để thiếu thuốc, vắc-xin.
Tiêm chủng mở rộng là chương trình tiêm chủng quốc gia, miễn phí, bảo vệ trẻ khỏi mắc một số loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.
Trước đó liên quan đến Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế bổ sung thêm đối tượng, lịch tiêm chủng và một số vắc-xin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.
Theo đó, đối tượng, lịch tiêm chủng vắc-xin bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng gồm: Tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh;
Tiêm vắc-xin BCG (lao), bOPV (bại liệt), DPT-VGB-Hib (vắc-xin phối hợp phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, IPV (vắc-xin bất hoạt phòng bệnh bại liệt), sởi cho trẻ dưới 1 tuổi;
Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản B cho trẻ từ 1-5 tuổi; tiêm vắc-xin sởi-rubella, DPT (bạch hầu, ho gà, uống ván) cho trẻ từ 18-24 tháng; tiêm vắc-xin uốn ván cho phụ nữ có thai.
Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng còn có lịch tiêm chủng các vắc-xin khác đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng trong thời gian tới bao gồm:
Trẻ dưới hoặc trên 1 tuổi: Vắc-xin IPV mũi 2. Hiện vắc-xin này tiếp tục được triển khai tiêm miễn phí cho trẻ từ 9 tháng tuổi trên toàn quốc theo dự án do GAVI hỗ trợ.
Trẻ 7 tuổi: Tiêm vắc-xin phòng bạch hầu, uốn ván sẽ được triển khai cho trẻ từ 7 tuổi tại vùng nguy cơ cao theo đề xuất của các tỉnh, thành phố.
Trẻ dưới 1 tuổi: Vắc-xin Rota.
Các vắc-xin được đưa vào trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội đồng tư vấn sử dụng vắc-xin Bộ Y tế, tình hình dịch tễ các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.
Báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy 67 triệu trẻ em trên toàn cầu, trong đó có gần 250.000 trẻ em Việt Nam, bị bỏ lỡ một hoặc nhiều liều vắc-xin trong hơn 3 năm dịch covid-19 do các dịch vụ tiêm chủng bị gián đoạn vì hệ thống y tế quá tải, nguồn lực khan hiếm và bị phân tán, tình trạng xung đột và dễ bị tổn thương, và sự sụt giản niềm tin của người dân vào tiêm chủng.
Cụ thể, số liệu cho thấy tỷ lệ trẻ em không được tiêm chủng ở thành thị cao hơn khoảng 1,5 lần so với trẻ em sống ở nông thôn (6,3% - 4,2%), trong khi tỷ lệ này ở nhóm các hộ gia đình nghèo nhất cao gần gấp đôi so với nhóm các hộ gia giàu nhất (13,5% - 6,6%).