Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo những nội dung về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.
Các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại địa phương có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán đang được xem xét dừng. |
Bộ Y tế nhận định tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tiếp tục có xu hướng gia tăng do các hoạt động xã hội trở lại bình thường, người dân giao lưu đi lại;
Mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng; Biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh; Xuất hiện tâm lý chủ quan trong người dân, không thực hiện quy định 5K về phòng, chống dịch...
Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương vẫn ghi nhận số mắc Covid-19 hàng ngày trong cộng đồng, đặc biệt tại các địa tỉnh, thành phố có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.
Ngoài ra, biến chủng Omicron đang lan truyền nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch.
Việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán phải tuyệt đối tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh để thực hiện đánh giá, cập nhật cấp độ dịch trên Cổng thông tin điện tử của địa phương và Bộ Y tế, qua đó có biện pháp tăng cường.
Ngoài ra, để chống dịch Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố và Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc hướng dẫn giám sát, phòng, chống Covid-19 biến chủng Omicron.
Bộ Y tế yêu cầu cơ sở rà soát tất cả trường hợp nhập cảnh từ ngày 28/11 có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính bằng phương pháp NAAT (Nucleic Acid Amplification Test), rRT-PCR trong vòng 14 ngày (kể từ ngày nhập cảnh).
Đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm của các trường hợp này gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để thực hiện xét nghiệm giải trình tự gene nhằm xác định biến chủng Omicron.
Trường hợp ghi nhận người dương tính với biến chủng Omicron, các đơn vị cần tiếp tục rà soát, lấy mẫu xét nghiệm của những người tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trước đó.
Các mẫu này cũng phải nhanh chóng được gửi tới Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur xét nghiệm, giải trình tự gene xác định biến chủng Omicron.
Tăng cường hệ thống giám sát ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường (số mắc, diễn biến nặng hoặc nhập viện, tử vong tăng bất thường theo thời gian, khu vực địa lý, đối tượng cụ thể...). Trên cơ sở đó, các đơn vị cũng chủ động, phối hợp lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể/biến chủng mới, sớm phát hiện các ổ dịch, chùm lây nhiễm.
Các địa phương cũng được yêu cầu tổ chức tiêm ngay lượng vắc-xin đã được phân bổ để tăng tỷ lệ bảo phủ vắc-xin Covid-19. Trong đó, cần chú ý tiêm cho những đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều trên địa bàn.
Ngoài ra, cần triển khai tiêm vắc-xin liều bổ sung, tăng cường cho các đối tượng nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Bộ Y tế yêu cầu tổ chức tập huấn cho cán bộ tham gia điều tra, xử lý ổ dịch, những cơ sở xét nghiệm Covid-19 thuộc sở y tế các tỉnh, thành phố về điểu tra, bảo quản, vận chuyển mẫu dương tính với SARS-CoV-2.
Tiếp nhận những mẫu bệnh phẩm nghi ngờ, có nguy cơ mắc biến chủng Omicron từ các tỉnh, thành phố để xét nghiệm, giải trình tự gene, xác định biến chủng Omicron.
Thực hiện, phối hợp với các địa phương để chủ động giám sát các biến thể/biến chủng mới của SARS-CoV-2 tại Việt Nam.
Báo cáo ngay về Bộ Y tế (Cục Y tế Dự phòng) và thông báo cho sở y tế các tỉnh, thành phố nếu phát hiện các trường hợp mắc biến chủng Omicron hoặc biến chủng mới để kịp thời triển khai biện pháp phòng, chống dịch.
Đồng thời, các viện cũng phải cập nhật kết quả giải trình tự gene lên Global Science Initiative and Primary Source (GISAID - Nền tảng chia sẻ dữ liệu gen virus cúm và SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19) để chia sẻ và tiếp nhận thông tin về các biến thể/biến chủng virus gây dịch.