Sự việc bác sĩ thẩm mỹ làm chết bệnh nhân rồi ném xác phi tang đã diễn ra hơn 1 tuần nhưng vẫn còn nguyên “sức nóng”, gây xôn xao dư luận bởi hành vi táng tận lương tâm của bác sĩ, cũng như sự tồn tại khó hiểu của một phòng khám phẫu thuật thẩm mĩ suốt gần 6 tháng dù chưa được cấp phép đủ điều kiện hoạt động. Cũng trong từng đó thời gian hoạt động, phòng phẫu thuật thẩm mỹ này chưa một lần bị cơ quan chức năng “sờ gáy” kiểm tra.
Tháng 5/2013 thẩm mỹ viện Cát Tường được cấp phép kinh doanh. Theo quy định, thẩm mỹ viện này phải làm hồ sơ gửi lên Sở Y tế để được xét duyệt cấp giấy chứng nhận dủ điều kiện mới được phép hoạt động.
Tuy nhiên, chủ cơ sở đã bỏ qua bước này, đi vào hoạt động ngay, và hoạt động cả những lĩnh vực bị cấm thực hiện kể cả với các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép đủ điều kiện, đó là hút mỡ và nâng ngực.
Hậu quả là một phụ nữ trẻ đã tử nạn sau khi được hút mỡ và nâng ngực tại phòng khám này. Bi kịch hơn, sau khi xảy ra sự việc, giám đốc thẩm mĩ viện Cát Tường, đồng thời cũng là bác sĩ thực hiện phẫu thuật đã tìm cách ném xác nạn nhân xuống sông Hồng phi tang.
| ||
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Tại cuộc họp nóng chiều 28/10 do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì, nói về vụ việc, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thừa nhận trách nhiệm của ngành y tế trong việc đôn đốc thực hiện việc kiểm tra giám sát các cơ sở.
Trên thực tế, thẩm mỹ viện Cát Tường đã được Quận cấp giấy phép kinh doanh nhưng chưa lên Sở Y tế để làm thủ tục cấp giấy phép hành nghề, vì vậy, mọi hoạt động liên quan đến phẫu thuật thẩm mĩ tại cơ sở này là hoạt động “chui”, đặc biệt là phẫu thuật hút mỡ, nâng ngực là phẫu thuật bị cấm thực hiện tại các phòng khám thẩm mỹ.
Theo ông Hiền, ngay sau khi xảy ra sự việc, Sở Y tế đã họp lãnh đạo Sở, các bộ phận liên quan kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan để làm rõ trách nhiệm trong vụ việc này. Ông Hiền cũng bày tỏ, sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa ngành y tế cấp quận, huyện trên địa bàn là một phần nguyên nhân của tình trạng này.
“Khi ngành y tế cấp giấy phép hành nghề thì gửi danh sách cho quận huyện, ngược lại quận huyện khi cấp giấy phép kinh doanh cũng thông báo để Sở Y tế theo dõi, giám sát. Trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường sơ suất là không có sự thông báo, trao đổi giữa các đơn vị”, ông Hiền nói.
Đại diện cho chính quyền, ông Vũ Đình Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cũng thừa nhận, sự việc xảy ra lần này có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương. UBND quận đã tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, giao cho các cơ quan có trách nhiệm kiểm điểm các cá nhân, tập thể liên quan. Trong đó, nguyên nhân một phần là khối lượng công việc quá lớn (với hơn 500 cơ sở y tế tư nhân, 17 bệnh viện công lập và ngoài công lập trên địa bàn) mà nhân lực lại quá thiếu.
Về phía BV Bạch Mai, khi xảy ra vụ việc, Ban Giám đốc BV Bạch Mai mới biết bác sĩ bệnh viện mình làm chủ phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ nằm đối diện ngay viện.
“Đa số các bác sĩ làm ở ngoài đều giấu bệnh viện, bác sĩ đã giấu thì bệnh viện không thể biết được. Sắp tới bệnh viện sẽ yêu cầu tất cả các bác sĩ tham gia phòng khám ngoài phải báo cáo làm ở đâu, cam kết làm đúng pháp luật”, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ.
Xử phạt chưa nghiêm!
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận, công tác thanh tra còn nhiều khó khăn, bởi thực tế quản lý được các cơ sở đã được cấp phép, còn các cơ sở chưa được cấp phép thì bị bỏ sót. Theo bà Tiến, nguyên nhân của tình trạng này là nhân lực thanh tra còn thiếu.
Đặc biệt là trong xử phạt hành chính với các hành vi khám bệnh "chui" chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, mới dừng ở việc phạt tiền, rút giấy phép. Bên cạnh đó, vấn đề quảng cáo trong lĩnh vực này cũng hết sức phức tạp.
“Người dân đâu có biết thẩm mỹ nào được cấp phép, thẩm mĩ nào không được cấp phép, đọc được thông tin quảng cáo về thẩm mỹ viện Cát Tường thì kéo đến làm. Vì thế, vấn đề quảng cáo cũng cần phân rõ trách nhiệm đơn vị nào giám sát, quản lý”, bà Tiến nói.
Bộ trưởng cũng yêu cầu cần xem lại việc cấp giấy phép kinh doanh của quận cho thẩm mỹ viện Cát Tường có đúng không? Sở Y tế Hà Nội cũng cần làm rõ trách nhiệm khi để tồn tại một nơi hoạt động không phép như thế những 6 tháng.
Trước báo cáo của các đơn vị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu BV Bạch Mai xem xét, tự đánh giá trách nhiệm trong việc quản lý bác sĩ của bệnh viện. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu BV Bạch Mai cần chỉ đạo các bác sĩ đang hành nghề tư nhân phải báo cáo lãnh đạo bệnh viện và khẳng định cơ sở tuân thủ pháp luật.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế rà soát lại thông tư, trong đó bổ sung giải pháp tránh tình trạng có giấy phép kinh doanh nhưng chưa có chứng chỉ hành nghề mà đã hoạt động. Có quy trình hậu kiểm, gắn với địa bàn để khắc phục lỗ hồng trong cơ chế quản lý, dẫn đến hiện tượng phòng khám không có giấy phép hành nghề vẫn tồn tại vài tháng trời.
Riêng với thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát trách nhiệm của Sở Y tế, quận, phường liên quan đến vụ việc thẩm mỹ viện Cát Tường và phải có kết luận trước trước ngày 5/11.
Bộ Y tế lập 5 đoàn thanh tra hoạt động thẩm mỹ Trong cuộc họp khẩn chiều 28/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến quyết định thành lập 5 đoàn thanh tra kiểm tra hoạt động hành nghề y dược tư nhân tại các địa phương, yêu cầu siết chặt và chấn chỉnh vấn đề y đức trong các cơ sở khám chữa bệnh và dịch vụ thẩm mỹ và hoạt động hành nghề y dược tư nhân… Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị như Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Thanh tra Bộ và các đơn vị chức năng liên quan tùy từng lĩnh vực cụ thể của mình phụ trách tăng cường các hoạt động thanh kiểm tra, ban hành bổ sung các văn bản liên quan đến việc quản lý siết chặt các hoạt động hành nghề y dược tư nhân; xây dựng quy trình xử lý tai biến... |
Hồng Hải (Dân trí)