Cụ thể, trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Bộ này đề xuất các giải pháp như cấm bán rượu, bia tại quán karaoke, không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, người đã có biểu hiện say và phụ nữ đang mang thai.
Đồng thời cấm cán bộ, công chức và người lao động sử dụng rượu bia trong thời gian làm việc, nghỉ giữa giờ, giữa các ca.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, điều này sẽ góp phần hạn chế tỷ lệ người dân sử dụng rượu bia, đặc biệt là thanh niên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động uống rượu bia trong thời gian làm việc, hạn chế tình trạng say rượu, bia. Đồng thời hạn chế luôn khả năng tiếp cận sản phẩm rượu, bia của người dân.
Giải thích rõ hơn về đề xuất cấm bán rượu bia ở quán karaoke, trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, thành viên ban soạn thảo dự luật cho biết Bộ Y tế đề xuất các phương án là cấm bán rượu, bia trong các quán karaoke hoặc chỉ cấm bán rượu trong các cơ sở kinh doanh này.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, hiện có tình trạng biến tướng ở quán karaoke, thể hiện qua những hành vi xô xát vì uống nhiều rượu, bia ở quán karaoke.
"Không chỉ báo chí mà ngay các chuyên gia cũng đặt câu hỏi tại sao không chỉ cấm bán rượu mà cấm cả bán bia. Thực ra, uống 1-2 ly/chai rượu bia có thể làm không khí gặp gỡ thêm vui, nhưng uống nhiều rượu bia thì thành nghiện, dẫn tới đủ thứ bệnh, dẫn tới cả bạo lực và tai nạn. Rượu và bia đều có nguy cơ như nhau chứ không phải chỉ có rượu mới nguy hiểm" - ông Quang nhận định.
Còn theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự hiện nay đã cấm bán rượu tại quán karaoke, chỉ cho phép bán bia, vì vậy ban soạn thảo dự luật đưa ra đề xuất cấm bán cả bia.
Ông Nguyễn Huy Quang cho biết dự luật này sẽ được các thành viên ban soạn thảo tiếp tục bàn và thống nhất trước khi trình Quốc hội. Những điểm đáng lưu ý về tính phù hợp là có nên quy định cấm bán rượu bia ở quán karaoke, hay cấm bán cả ở các sàn nhảy, hay hạn chế giờ bán...
"Có nhiều ý kiến phản đối đề xuất cấm bán rượu bia ở quán karaoke, như gần đây cũng nhiều người phản đối đề nghị hạn chế xe máy. Dự luật này cũng đã tham khảo quy định quốc tế, nhiều quốc gia đã làm", ông Quang chia sẻ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Bộ Y tế đánh giá việc cấm bán rượu bia trong quán karaoke sẽ không làm phát sinh lợi ích hoặc thiệt hại kinh tế trực tiếp cho nguồn thu của Nhà nước mà chỉ góp phần giảm mức độ dễ tiếp cận đối với rượu bia. Nhưng Bộ này thừa nhận các doanh nghiệp kinh doanh rượu bia, các cá nhân kinh doanh đang có bán rượu bia cùng dịch vụ ăn uống, có thể bị giảm doanh số bán hàng và doanh thu.
Về mặt xã hội, Bộ Y tế cho rằng giải pháp này không gây ra tiêu cực, cho dù trong thời gian đầu, người uống rượu bia sẽ thấy bất tiện do phải thay đổi thói quen sử dụng, mua bán rượu bia.
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, thì nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề về tính khả thi của giải pháp cấm bán rượu bia tại các quán karaoke.
Trả lời báo chí, chuyên gia xã hội học Trương Văn Vỹ cho rằng mục đích cấm rượu bia trong một số trường hợp là tốt, giảm dần việc sử dụng rượu bia, góp phần nâng cao chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc cấm rượu bia trong quán karaoke sẽ khó hiệu quả. Nếu cấm, chủ quán karaoke sẽ tìm cách đối phó với cơ quan chức năng để kinh doanh.
Trước đây, nhiều đề xuất của Bộ Công Thương liên quan tới điều kiện kinh doanh bia cũng đã bị dư luận phản đối do thiếu tính khả thi, như yêu cầu quán bia phải bảo đảm nhiệt độ trong quán không quá 30 độ C, phải có 1 nhà vệ sinh đủ chỗ cho 25 khách, có bảng chỉ dẫn “Rửa tay sau khi đi vệ sinh” ở nơi dễ nhìn…
Các điều kiện này còn được cho là không cần thiết và gây khó khăn cho người sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, thì nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề về tính khả thi của giải pháp cấm bán rượu bia tại các quán karaoke.