Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định, giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đề nghị cần tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch Covid-19 để chuyển sang giai đoạn phòng, chống dịch khác.
Với đề nghị cần tuyên bố hết dịch Covid-19 đại diện Bộ Y tế cho hay Bộ không đồng tình với quan điểm này. |
Đại biểu này cho rằng, trong thực tế chúng ta đã giảm mức độ phòng dịch, thậm chí nhiều nơi đã coi như hết dịch.
"Chính phủ cần tuyên bố chuyển giai đoạn chống dịch với các quy định cụ thể để hạn chế tốn kém nguồn lực cũng như sẵn sàng nếu bùng dịch hay dịch khác xuất hiện", đại biếu Nguyễn Lân Hiếu phát biểu.
Trước tình trạng các bệnh viện thiếu thuốc kéo dài sau dịch Covid-19 do các quy định trong đấu thầu gây ra, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị hình thức đấu thầu thuốc hóa chất, vật tư, tiêu hao hiệu quả nhất lúc này nên "quay lại cái cũ" - tức giao lại trực tiếp cho đơn vị sử dụng, còn duy trì đấu thầu tập trung thì tất cả các nơi đều khó khăn.
Theo Bộ Y tế, 28 địa phương, 12/21 bệnh viện tuyến trung ương thiếu thuốc; 26 địa phương và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. Nguy cơ thiếu thuốc sẽ tiếp diễn năm 2023 khi khoảng 14.000 thuốc sẽ hết hiệu lực đăng ký lưu hành.
Các nguyên nhân được chỉ ra là hành lang pháp lý về mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế chưa hoàn thiện, gây nhiều cách hiểu khi thực hiện.
Việc xử lý vi phạm của một bộ phận công chức, viên chức y tế đã tạo ra tâm lý e ngại, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, không dám mua sắm; khó khăn trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại Luật Dược năm 2016.
Cũng về ứng phó với Covid-19, mới đây Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu kinh nghiệm các nước đã xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, coi đây là kinh nghiệm tốt cho Việt Nam.
Với đề xuất nêu trên, theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nếu tuyên bố hết đại dịch lúc này, Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn.
Ông Lân phân tích, có hai thách thức Việt Nam sẽ gặp nếu công bố hết dịch. Theo đó, khi công bố hết dịch, các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng chống dịch sẽ không được áp dụng như nghiên cứu, sản xuất hoặc mua, tiếp nhận, cấp phép, sử dụng vắc-xin, trang thiết bị y tế, thuốc và sinh phẩm y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân... trong tình trạng khẩn cấp, ảnh hưởng đến triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Vì thế, trong trường hợp xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn thì dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, khi đó sẽ vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Bên cạnh đó, nếu công bố hết dịch thì việc huy động chính quyền các cấp, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân tham gia phòng chống dịch sẽ không còn được quan tâm đúng mức. Như vậy, người dân có thể có tâm lý chủ quan, lơ là. Việc kích hoạt áp dụng trở lại các biện pháp hành chính, xã hội khi cần sẽ bị động.
Đại diện Bộ Y tế cũng nêu rõ, tình hình dịch Covid-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, chưa ổn định và khó dự đoán. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lúc này vẫn đánh giá "thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch Covid-19".
Còn tại nước ta, dù không công bố hết dịch nhưng hiện Bộ Y tế đã chủ động điều chỉnh theo hướng giảm dần các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình dịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Trên thực tế, dịch đang được kiểm soát, các biện pháp phòng chống cơ bản đã trở về trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho người dân trong hoạt động đi lại, lao động, sản xuất, kinh doanh.
Trướcc đó, Bộ Y tế đề xuất vẫn giữ Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Tuy nhiên, từng bước giảm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng linh hoạt, phù hợp một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A và một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Bộ Y tế đã xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022 - 2023 trên cơ sở kế hoạch chiến lược chuẩn bị và đáp ứng Covid-19 của WHO với 2 tình huống:
Tình huống 1: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng.
Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.
Tình huống 2: Xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số mắc và tử vong.
Bao gồm các biện pháp đặc thù như: (1) Giám sát phát hiện; (2) Kiểm soát ra vào vùng có dịch; (3) Cách ly/ theo dõi sức khỏe; (4) Khám, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2; (5) Phòng lây nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; (6) Vệ sinh trong việc quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt.