Tổng kết lại công tác điều hành chính sách tiền tệ năm 2019, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đánh giá, thành công lớn nhất và then chốt nhất là chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt đã giúp kiểm soát lạm phát ở mức thấp. Trong năm 2019, NHNN đã đưa ra thị trường 500.000 tỷ đồng- tính từ đầu nhiệm kỳ đã bơm ra nền kinh tế 1 triệu tỷ đồng- nhưng không gây ra lạm phát.
Thành công quan trọng thứ hai là lãi suất. Hiện nay, hệ thống ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chủ đạo của nền kinh tế, nhất lànhu cầu vốn trung, dài hạn vẫn rất cao. Áp lực lên nguồn vốn lớn nhưng bằng các công cụ chính sách tiền tệ, NHNN đã ổn định được mặt bằng lãi suất và thực hiện giảm lãi suất khi điều kiện cho phép. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, lãi suất cho vay không chỉ ổn định mà còn giảm, nhất là lĩnh vực ưu tiên (hiện trần lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên còn 6%). NHNN đã chủ động giảm lãi suất điều hành với khối lượng và liều lượng phù hợp để đạt hiệu quả giảm mặt bằng lãi suất, chia sẻ khó khăn với người vay vốn. Việc điều hành lãi suất đã cân đối, hài hóa lựoi ích của người vay vốn, người gửi tiền cũng như lợi ích của tổ chức tín dụng, igúp luồng vốn được điều tiết kịp thời vào nền kinh tế.
Thứ ba, về tỷ giá, mặc dù năm qua tài chính toàn cầu biến động mạnh nhưng với kinh nghiệm điều hành thành công từ những năm trước, NHNN vừa chủ động, linh hoạt, vừa kiên định ổn định tỷ giá - ổn định nhưng không cố định- qua đó tỷ giá được điều hành phù hợp với các mục tiêu kinh tế vĩ mô, giúp dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục.
Thống đốc cho hay, hiện nay, dự trữ ngoại hối đã đạt gần 80 tỷ USD. Đây là tấm đệm lớn để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào năng lực thực tế của Chính phủ và NHNN trong ổn định tỷ giá ngoại tệ.
Dù điều hành lượng lớn ngoại tệ như vậy nhưng công tác dự trữ ngoại hối của NHNN luôn đảm bảo an toàn, hiệu quả. Trong năm 2019, dù thực hiện tới hơn 3.500 giao dịch ngoại hối quy mô lớn, song tất cả giao dịch đều đảm bảo an toàn tuyệt đối, sinh lời tốt, nộp thuế ngân sách cao.
Thống đốc cũng cho biết, trong năm 2019, NHNN cùng Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao làm việc với các đối tác thương mại lớn, cung cấp thông tin đầy đủ để chứng minh: Việt Nam không bao giờ dùng chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá để tạo cạnh tranh thương mại không công bằng, hoàn toàn không can thiệp có chủ đích vào tỷ giá để nhằm mục đích cạnh tranh thuonwg mại. Báo cáo của các đối tác cũng thừa nhận, Việt Nam không thao túng tiền tệ.
Thứ tư, tăng trưởng tín dụng hợp lý, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng chất lượng và cơ cấu tín dụng được nâng cao. Tính đến cuối năm 2019, tín dụng toàn hệ thống tăng xấp xỉ 14%, các ngân hàng đã cung ứng 8,2 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế.
Đặc biệt, nếu giai đoạn 2001-2010, tín dụng tăng xấp xỉ 30% nhưng GDP chỉ tăng 6,82%. Tức tín dụng/GDP 4,4 lần, cá biệt năm 2007 là 5,3 lần (5 lần tăng tín dụng mới đạt 1% tăng trưởng GDP) thì từ năm 2016 đến nay, con số này chỉ còn 3 lần. Trong năm 2018-2019 giảm còn dưới 2 lần, chứng tỏ hiệu quả tín dụng được nâng cao.
Thứ năm, công tác xử lý nợ xấu được triẻn khai tích cực và thực chất. Đến cuối năm 2019 nợ xấu và nợ tiềm ẩn chỉ 4,59%, thấp hơn nhiều so với con số đầu nhiệm kỳ là 10,08%. NHNN đang quyết tâm đưa con số này về dưới 3% trong năm nay.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2020, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng và hài hòa với chính sách tài khóa cùng các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản hợp lý để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ; điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu của chính sách tiền tệ; đồng thời, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện và bối cảnh phù hợp.
Theo Thống đốc, vấn đề ưu tiên hàng đầu được NHNN đặt ra năm 2020 là phối hợp với bộ Công thương và các bộ ngành để xử lý các vấn đề mà đối tác thương mại quan tâm.
Cùng với đó, ngành triển khai giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 /2017/QH14 và Quyết định 1058/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19/7/2017 phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.