Vàng “điên loạn” trong những ngày vừa qua do đâu? Theo ông, giá vàng thế giới liệu có còn leo thang trong thời gian tới?
Việc nước Anh rời khỏi EU (Brexit) đã đẩy đồng bảng Anh giảm giá khá mạnh, khiến các quỹ đầu tư cũng như các ngân hàng trung ương trên thế giới có xu hướng chuyển vốn sang trú ẩn ở kênh đầu tư an toàn là vàng, làm cho mãi lực tăng, đẩy giá vàng lên.
Theo dự báo của các chuyên gia quốc tế, khả năng vàng còn tăng giá trong thời gian tới, vì chúng ta chưa thể biết được diễn biến tình hình thế giới cũng như thị trường trong thời kỳ hậu Brexit ra sao. Brexit là sự kiện xảy ra đầu tiên trong lịch sử và chưa có tiền lệ. Vì thế, các nhà đầu tư, quỹ đầu cơ sẽ tiếp tục cố thủ trong “hầm trú ẩn vàng” được cho là an toàn này.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) |
Như vậy, khả năng vàng vượt mốc 1.400 USD/ounce là có thể xảy ra, thưa ông?
Hiện mức cản của giá vàng thế giới được cho là ở ngưỡng 1.400 USD/ounce và tôi cho rằng, nếu tình hình thế giới còn bất ổn trong thời kỳ hậu Brexit, thì khả năng vàng còn có lực hỗ trợ.
Lý do là, trước diễn biến hiện nay khi đồng bảng Anh giảm mạnh so với USD và yên Nhật, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa thể sớm tăng lãi suất. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho đà tăng của vàng.
Mặt khác, việc Anh rời EU cũng phải mất thời gian trong 2 năm để hoàn tất các thủ tục, nên khả năng các nhà đầu tư, đầu cơ và kể cả ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn nắm giữ vàng. Do đó, vàng khó có thể giảm về mức 1.200 USD/ounce trong ngắn và trung hạn.
Còn về dài hạn, khả năng mặt hàng kim loại quý này vẫn tăng, nếu Fed chưa sớm điều chỉnh lãi suất cơ bản của USD như lộ trình đưa ra vào cuối năm nay.
Nếu Fed điều chỉnh lãi suất cuối năm nay thì liệu giá vàng sẽ quay đầu?
Thông thường, khi Fed tăng lãi suất, thì USD sẽ mạnh lên và giá vàng có xu hướng giảm. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, sức khỏe của USD đang tăng mạnh, song vàng thế giới vẫn nổi “sóng” lớn, do tác động chủ yếu bởi Brexit. Mặt khác, như đã phân tích ở trên, khả năng Fed chưa thể sớm điều chỉnh lãi suất USD. Vì vậy, nếu vàng tăng đến mức kỳ vọng 1.400 USD/ounce và tình trạng chốt lời xảy ra, thì giá vàng khó tránh đảo chiều, song cũng chỉ là trong ngắn hạn.
Vàng thế giới tăng cao, nhưng giá vàng trong nước còn tăng cao hơn. Theo ông, lý do nào đẩy giá vàng trong nước tăng cao như vậy?
Sở dĩ giá vàng trong nước cao hơn vàng thế giới, với mức chênh lệch lên đến 3,4 triệu đồng/lượng hiện nay là do lực cầu của thị trường tăng mạnh. Đáng chú ý là, trong 3 ngày vừa qua, giá vàng thế giới liên tục tăng, khiến tâm lý của nhà đầu tư, người dân trong nước bồn chồn muốn mua vàng để kiếm lời, dẫn đến mãi lực vàng lên cao. Trong khi đó, nguồn cung vàng của thị trường có hạn, nhất là kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành về quản lý thị trường vàng đã hạn chế nguồn cung vàng miếng trên thị trường. Vì thế, các nhà kinh doanh vàng buộc phải điều chỉnh giá bán cao hơn giá thế giới, do nguồn cung thiếu hụt.
Ngân hàng Nhà nước đã có động thái cam kết ổn định thị trường vàng, song nếu nguồn cung không được hỗ trợ và khi giá vàng thế giới tiếp tục đà tăng, thì sẽ khó kiềm chế việc giá trong nước cao hơn giá thế giới.
Vậy theo ông, rót vốn vào vàng lúc này có rủi ro không và nhà đầu tư trong nước cần chú ý những điểm gì?
Có nên mua vàng hay không là câu hỏi khó. Nhưng mua vàng khi giá trong nước đã gần chạm ngưỡng 40 triệu đồng/lượng thì rủi ro sẽ khó lường, bởi mức giá này khá cao và cao hơn nhiều so với giá thế giới. Cho dù vàng thế giới được dự báo còn chiều hướng tăng trong thời gian tới đây, song nhà đầu tư trong nước cũng nên thận trọng để tránh rủi ro. Người mua nên xem xét và mua vàng những thời điểm giá giảm, không chạy theo bầy đàn hoặc bất chấp giá tăng ở mức cao vẫn mua vào. Mặt khác, mua vàng trong thời điểm này cũng nên kỳ vọng trung dài hạn, thay vì ngắn hạn.