Trong 9 tháng đầu năm 2013, mặc dù chỉ có tháng 1 giảm (0,08%) và 8 tháng tăng, song bình quân 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng 0,52%, thấp hơn so với bình quân thời kỳ 2006 - 2011 (tăng 4,75%). Diễn biến giá USD từ năm 2011 đến nay có thể được coi là cơ bản ổn định.
| ||
Diễn biến giá USD từ năm 2011 đến nay có thể được coi là cơ bản ổn định |
Sự ổn định của giá USD như trên chủ yếu do những nguyên nhân dưới đây.
Thứ nhất, cán cân thương mại đã chuyển từ nhập siêu lớn sang xuất siêu hoặc nhập siêu thấp.
Nếu năm 2008, Việt Nam nhập siêu gần 18,03 tỷ USD, năm 2009 nhập siêu gần 12,86 tỷ USD, năm 2010 nhập siêu gần 12,61 tỷ USD, năm 2011 nhập siêu trên 9,84 tỷ USD, thì năm 2012 xuất siêu 780 triệu USD và 9 tháng đầu năm nay ước nhập siêu 124 triệu USD.
Thứ hai, lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn có dấu hiệu tăng lên và đạt khá. Vốn FDI 8 tháng đạt 7,6 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thực hiện 9 tháng đạt 3,13 tỷ USD, tăng 8,68% so với cùng kỳ năm trước, dự đoán cả năm có thể vượt mốc 4 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Kiều hối do Việt kiều và lao động làm việc ở nước ngoài gửi về nước năm 2012 lần đầu tiên vượt qua mốc 10 tỷ USD; năm 2013 có thể vượt qua kỷ lục của năm 2012…
Thứ ba, lạm phát đã được kiềm chế trong năm 2012 và tiếp tục được kiềm chế trong năm 2013, làm cho nhu cầu tìm nơi trú ẩn là vàng và ngoại tệ mạnh không còn lớn như những năm lạm phát cao.
Hơn thế nữa, tâm lý găm giữ ngoại tệ làm cho tình trạng đô-la hóa khá cao trước đây cũng có xu hướng giảm, nên nhiều doanh nghiệp và người dân bán ngoại tệ.
Thứ tư, lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi bằng nội tệ, lại có thông điệp của Ngân hàng Nhà nước về điều hành tỷ giá ngay từ đầu năm và tương đối kịp thời trong 3 lần thị trường tăng giá, nên nhiều người bán ngoại tệ lấy VND gửi vào ngân hàng…
Giá USD ổn định đã có tác động về nhiều mặt.
Tác động trước hết là góp phần quan trọng vào việc kiềm chế lạm phát. Tác động này được xét trên hai góc độ.
Ở góc độ thứ nhất, giá hàng nhập khẩu tính bằng VND không tăng cao, hạn chế việc tăng chi phí đẩy - một yếu tố quan trọng của lạm phát.
Ở góc độ thứ hai, tác động đến yếu tố tâm lý kỳ vọng lạm phát, vì ngoại tệ thường được dùng làm nơi trú ẩn của dòng vốn khi lạm phát cao.
Sự ổn định của tỷ giá còn góp phần để Ngân hàng Nhà nước mua vào một lượng ngoại tệ từ lưu thông với số lượng khá trong vài năm nay, đưa dự trữ ngoại hối đạt được ranh giới an toàn tài chính theo thông lệ quốc tế (đạt trên 12 tuần nhập khẩu), bảo đảm tính thanh khoản của quốc gia, đồng thời góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Sự ổn định của tỷ giá cũng đã góp phần kiềm chế sự tăng lên của nợ và trả nợ nước ngoài khi tính bằng VND.
Minh Nhung