| ||
Tiếp sau kỳ họp thứ Tư, kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XIII sẽ xem xét nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội. |
1. Giảm thuế, bẩy tín dụng, xử lý nợ xấu
Giảm thuế là một trong những kỳ vọng lớn nhất của DN trong bối cảnh sản xuất kinh doanh khó khăn hiện nay.
Theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN vào ngày 19/6/2013.
Phương án mà Bộ Tài chính đưa ra là giảm mức thuế suất thuế TNDN từ 25% hiện nay xuống còn 22%, áp dụng từ 1.1.2014 để ngân sách kịp chuẩn bị đối phó với hụt thu. Tuy nhiên, nhiều DN đề nghị, nên giảm thuế TNDN xuống 20%/năm, áp dụng ngay từ 1/7/2013.
Về thuế GTGT, mức thuế đang áp dụng hiện hành là 5% và 10% nhưng các DN thắc mắc về tiêu chí áp dụng nhóm 5% và 10%. Ngoài ra, các ý kiến cũng đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế GTGT để kích cầu.
Cũng liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho DN, các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp này được dự báo sẽ cực kỳ nóng bỏng, bởi sức khỏe của nền kinh tế, theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan là "nguy lắm rồi".
Biểu hiện của tình trạng nguy kịch là kinh tế phục hồi rất chậm, tổng cầu không tăng, tín dụng gần như đóng băng, nợ xấu chậm được giải quyết, tốc độ tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu DNNN diễn ra rất chậm. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sau những bước khởi đầu khả quan lại đang có tín hiệu đình trệ. Dù kinh tế phục hồi chậm, nhưng nhập siêu đang tăng trở lại, nhất là hàng xa xỉ. Hàng nhập lậu ùn ùn tràn qua biên giới bóp nghẹt sản xuất trong nước. Nông nghiệp là bệ đỡ giúp nền kinh tế trụ vững thời gian qua đang có biểu hiện khó khăn....
Trước những vấn đề nóng bỏng này, chắc chắn trưởng tư lệnh của nhiều ngành phải dành nhiều thời gian giải trình trước Quốc hội. Đồng thời, Chính phủ cũng kỳ vọng các đại biểu Quốc hội sẽ đưa ra được nhiều sáng kiến giải cứu nền kinh tế.
2. Lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt
Một điểm rất mới và đặc biệt được dư luận quan tâm tại kỳ họp này là Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các cức danh chủ chốt như: Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước.
Đối với người lấy phiếu, ngoài việc nằm trong danh sách 49 chức danh lãnh đạo chủ chốt, người đó còn phải có ít nhất một năm công tác. Vì vậy, trước khi lấy phiếu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có báo cáo Quốc hội về danh sách những người trong diện lấy phiếu tín nhiệm, ai không đủ 2 yếu tố này thì loại khỏi danh sách. Theo tiêu chí này, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng nhiều khả năng sẽ không nằm trong danh sách lấy phiếu tín nhiệm. Như vậy, nhiều khả năng số người được lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp này sẽ chỉ còn 47.
Dự kiến, sáng 11/6, Quốc hội sẽ bầu Ban kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh trên, đồng thời công bố kết quả kiểm phiếu vào chiều cùng ngày. Ngày 12/6/2013, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả này sẽ được công bố công khai.
3. Chất vấn và trả lời chất vấn
Như thường lệ, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn luôn là những vấn đề được dư luận quan tâm nhất. Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, 4 vị tư lệnh ngành trả lời chất vấn là: Thống đốc NHNN và Bộ trưởng các Bộ: Công thương, Xây dựng, Y tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng dành thời gian trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội.
Năm nay, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày trả lời chất vấn. Dự kiến, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra từ chiều 12/6 đến hết ngày 14/6. Với thời lượng này, khả năng sẽ có 5 thành viên Chính phủ tham gia trả lời chất vấn.
Danh sách các trưởng ngành trả lời chất vấn chỉ được công bố trước phiên chất vấn chính thức vài ngày.
4. Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)
Tại kỳ họp Quốc hội lần này, Luật Đất đai (sửa đổi) đã chính thức được đưa vào chương trình dự kiến để xem xét thông qua. Việc ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) là vô cùng cấp bách, nhưng vì tính phức tạp và nhạy cảm của Luật, nếu có quá nhiều tranh cãi trái chiều, có thể luật sẽ chưa được thông qua , dù đã được đưa vào chương trình dự kiến.
Trước đó, phát biểu trong cuộc họp tại Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay, kết luận của Bộ Chính trị là sẽ đưa Dự thảo Luật Đất đai ra thảo luận tại Quốc hội, có nghĩa là có thể sẽ thông qua nếu Quốc hội đồng thuận. Nếu kỳ họp có nhiều ý kiến khác nhau thì Quốc hội sẽ tiếp thu, chỉnh lý chứ không phải không thông qua.
Kỳ họp lần này cũng xem xét, cho ý kiến về một số Luật liên quan chặt chẽ với DN như Luật đấu thầu (sửa đổi), Luật việc làm, Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật…
Ngoài ra, Quốc hội cũng dành 2 ngày thảo luận tại Hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (truyền hình, phát thanh trực tiếp cho toàn dân theo dõi). Trong đó, phương án đổi tên nước được nhân dân đặc biệt quan tâm.
Như vậy, có 10 Luật dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này là: Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi), Luật phòng, chống khủng bố, Luật phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật hòa giải cơ sở, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp và có thể cả Luật Đất đai (Sửa đổi).
Thùy Liên