Thời sự
Bóng dáng trung tâm công nghiệp “vàng đen”
Hoàng Thủy - 05/02/2014 09:20
Còn quá sớm để khẳng định dải đất miền Trung đầy nắng và gió trong tương lai không xa sẽ là trung tâm ngành công nghiệp lọc hóa dầu của cả nước, nhưng những bước đi khởi đầu đáng ghi nhận của năm 2013 ít nhiều cũng gợi mở về bóng dáng của ngành công nghiệp này... >>> Đón sóng FDI xông đất năm 2014 >>> Tỷ phú Rockefeller đầu tư 2,5 tỷ USD vào Vịnh Vũng Rô >>> Thủ tướng: “Không có hội chứng xây nhà máy lọc dầu” >>> Lọc dầu Vũng Rô ký hợp đồng thiết kế tổng thể

Dấu ấn của dự án tiên phong

Khoảnh khắc giao thời, mọi con mắt ngước nhìn về Quảng Ngãi, nơi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã và đang mang lại cho địa phương này một động lực lực phát triển được cụ thể hóa bằng những con số ấn tượng và có thể nói là “trong mơ” đối với một địa phương ở vùng chỉ có cát và sỏi như miền Trung này.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe chủ đầu tư Dự án Lọc hóa dầu Vũng Rô báo cáo về tiến độ triển khai Dự án

Gần 28.000 tỷ đồng là con số đóng góp cho ngân sách nhà nước chỉ tính riêng cho Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn – đơn vị trực tiếp vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã nói lên tất cả. Xét dưới góc độ nào đó, hiệu quả đầu tư chưa được như mong muốn, nhưng với thành tích quá ấn tượng khi đạt 205% kế hoạch đề ra trong giai đoạn kinh tế đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay là điều đáng để ngưỡng mộ.

Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn hồ hởi tiết lộ, năm 2013, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành 100% công suất, sản xuất 6,5 triệu tấn/năm, đạt tổng doanh thu 150.000 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên Nhà máy đặt mục tiêu lợi nhuận 2.100 tỷ đồng, nhưng cuối cùng đã đạt 3.000 tỷ đồng (tương đương 150 triệu USD), sau khi nhận được cơ chế tài chính ưu đãi từ Chính phủ.

Theo ông Giang, Công ty sẽ tiếp tục thuê nhà thầu JGC (Nhật Bản) nghiên cứu phương án khả thi chi tiết nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (giai đoạn 2). Hiện tại, PetroVietnam đang làm việc với Tập đoàn Năng lượng GazpromNeft (Nga) về kế hoạch hợp tác đầu tư vào Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Cùng với đó, Công ty cũng đang lập phương án tự nâng cấp, mở rộng, nâng công suất Nhà máy từ 6,5 triệu tấn lên 10 triệu tấn/năm.

Không chỉ mang lại nguồn thu ngân sách lớn, nhà máy lọc dầu đầu tiên này của nước ta còn tạo nên một sức hút lớn, giúp Quảng Ngãi trở thành một địa chỉ đầu tư hấp dẫn trên bản đồ Việt Nam. 5 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được xếp vào loại khá sẽ được triển khai trong năm nay tại Quảng Ngãi, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự chính thức trao Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô

Cũng phải khẳng định rằng, hấp lực từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng mang lại lợi thế lớn cho Khu kinh tế Dung Quất. Gần đây nhất, Chính phủ chọn Dung Quất là 1 trong 5 khu kinh tế ven biển ưu tiên đầu tư vốn ngân sách nhà nước, với định hướng phát triển thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, với các ngành chủ lực là hóa dầu, hóa chất, cùng các loại hình công nghiệp nặng quy mô lớn, như luyện cán thép, đóng tàu biển… Đặc biệt, Dung Quất sẽ còn là một thành phố công nghiệp mở trong tương lai, có trung tâm lọc hóa dầu, trung tâm thương mại, trung tâm dịch vụ cảng…

Ông Phạm Như Sô, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, kiêm Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho rằng, để Khu kinh tế Dung Quất thực sự có sức hút mạnh mẽ, vấn đề là phải quy hoạch và phát triển hạ tầng sao cho tương xứng để thuyết phục nhà đầu tư. Trong nỗ lực giải quyết bài toán này, tháng 8/2012, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, Liên danh Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd và Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng cảng - đường thủy đã ký kết Hợp đồng tư vấn lập Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2.000 Khu bến cảng Dung Quất II.

Và sau khi quy hoạch, rất nhiều nhà đầu tư lớn đã tìm đến Khu kinh tế Dung Quất, như Dự án Nhà máy Nhiệt điện do Tập đoàn Semcorp đầu tư, công suất 1.200 MW; Dự án Khu phức hợp công nghiệp và đô thị VSIP, quy mô cả 2 giai đoạn lên đến 1.200 ha; tổng vốn đầu tư hai dự án này lên đến 3 tỷ USD.

Đồng loạt khởi động

Hiệu ứng tích cực từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là một trong những yếu tố then chốt thôi thúc chính quyền các tỉnh miền Trung nỗ lực hơn trong thu hút và và hỗ trợ các nhà đầu tư trong lĩnh vực này sớm triển khai dự án, xem đây là giải pháp phát triển kinh tế mang tính chủ lực cho địa phương mình trong tương lai.

Cuối tháng 10/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chính thức nhấn nút khởi công Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Dự án do Liên doanh PetroVietnam, Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait (KPI), Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI) làm chủ đầu tư. Dự án sẽ hoàn thành vào quý IV/2016 và vận hành thương mại giữa năm 2017.

Sau khi đi vào hoạt động, Nhà máy sẽ cho ra các sản phẩm như: khí hoá lỏng LPG; xăng A92, A95, A98; nhiên liệu phản lực; diesel cao cấp và diesel thường… Dự án có tổng công suất giai đoạn I là 10 triệu tấn/năm (200.000 thùng dầu thô/ngày) và sẽ nâng lên 20 triệu tấn dầu thô/năm trong giai đoạn II.

Trước đó (ngày 6/10), UBND tỉnh Phú Yên đã trao Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô cho Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô. Đồng thời, chủ đầu tư cũng đã ký kết hợp đồng thiết kế tổng thể và trao thư chọn thầu EPC cho Tập đoàn JGC (Nhật Bản)

Theo Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, Dự án được triển khai xây dựng tại Khu công nghiệp Hòa Tâm - Khu kinh tế Nam Phú Yên, với tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ USD, công suất 8 triệu tấn/năm. Dự án được triển khai xây dựng trên diện tích đất 538 ha, trong đó đất xây dựng nhà máy 404 ha, đất mặt bằng xây dựng cảng Bãi Gốc 134 ha. Ngoài ra, Dự án còn được phê duyệt sử dụng từ 500 ha đến 1.300 ha diện tích mặt nước (diện tích cụ thể theo Dự án Cảng Bãi Gốc được phê duyệt).

Mục tiêu của Dự án là xây dựng nhà máy, chế biến và phân phối các sản phẩm lọc hóa dầu từ dầu thô (bao gồm polypropylen, benzen, toluene, xylene, probane, LPG, xăng RON 92, xăng RON 95, nhiên liệu phản lực, diezel, dầu FO, lưu huỳnh…) và các sản phẩm hóa dầu khác.

Đặc biệt, chủ đầu tư cũng được giao đầu tư xây dựng đê chắn sóng; đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cảng Bãi Gốc theo hướng kết hợp cảng chuyên dụng lọc hóa dầu, cảng hàng tổng hợp, cảng hàng rời khô, cảng container và các bến dịch vụ phục vụ chung cho cả Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Sự hiện diện của Vũng Rô thật sự mang lại một luồng sinh khí mới cho tỉnh Phú Yên. Theo nhận định của ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đây là dự án FDI lớn nhất ở Phú Yên từ trước đến nay, là hạt nhân của Khu kinh tế Nam Phú Yên, có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm không chỉ đối với Phú Yên mà cho cả khu vực Nam Trung Bộ.

Cũng trong thời điểm này, UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đã chính thức công bố việc triển khai thực hiện lập dự án đầu tư Tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 28 tỷ USD, được PTT khảo sát và đề xuất xây dựng tại Khu kinh tế Nhơn Hội, với tổng diện tích xây dựng 2.000 ha, công suất 660.000 thùng dầu thô/ngày (30 triệu tấn/ năm). Nguyên liệu dầu thô sẽ nhập khẩu từ Trung Đông, châu Phi, Nam Trung Mỹ, với 21 dòng sản phẩm lọc dầu và hóa dầu (gồm 11 sản phẩm lọc đầu và 10 sản phẩm hóa dầu).

Đối với dự án này, chủ đầu tư đã chính thức công bố đã lựa chọn 3 nhà thầu tư vấn chính trong lĩnh vực quản lý, kỹ thuật và thương mại. Theo đó, Tập đoàn McKinsey & Company là nhà thầu về chiến lược và quản lý chương trình, Tập đoàn Foster Wheeler đảm nhận cố vấn về kỹ thuật và Nhà thầu HIS đảm nhận cố vấn về thương mại.

Theo kế hoạch, sau khi lập và trình Chính phủ phê duyệt dự án khả thi vào tháng 4/2014, PTT sẽ tiếp tục đánh giá hiệu quả thương mại của Dự án; tiến hành thiết kế kỹ thuật bao gồm xác định công nghệ then chốt, ước tính chi phí và xác định khả năng phân phối chia nhỏ khối lượng sản xuất; xây dựng kế hoạch tài chính tối ưu; lựa chọn các đối tác chiến lược thông qua việc nhận diện và đánh giá năng lực đói tác; đánh giá tác động môi trường…

Có thể nói, năm 2013 đã ghi nhận những bước tiến quan trọng đối với các dự án lọc dầu tại miền Trung. Dù hàng năm gánh chịu rất nhiều thiên tai, nhưng bù lại, thiên nhiên đã ban tặng cho miền Trung một địa thế có bờ biển trải dài, một lợi thế để phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu. Vì thế, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trong thời gian không xa, dải đất đầy nắng và gió này sẽ là trung tâm phát triển ngành công nghiệp hóa dầu của Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác