Kiểm tiền tại chi nhánh ngân hàng ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Nguồn: EPA/TTXVN) |
Mặc dù các ngân hàng Italy đang ngập chìm với những khoản nợ xấu và lao đao cầu cứu một cách rối loạn, song BIS không hề đưa ra một tín hiệu nào về khủng hoảng ngân hàng tại nước này.
Trong khi đó, ba nền kinh tế lớn là Canada, Hong Kong và nhất là Trung Quốc thì lại đang bị khủng hoảng ngân hàng đe dọa. Tại ba nền kinh tế này, hai chỉ số cơ bản là tỷ lệ nợ so với GDP và dịch vụ từ nợ đang ở ngưỡng báo động đỏ. Riêng đối với Canada và Hongkong, hai chỉ số này thậm chí đã vượt ngưỡng trầm trọng, một dấu hiệu điển hình của nền kinh tế bên bờ khùng hoảng.
Trong khi đó, tình hình tại Trung Quốc rất đáng lo ngại về quy mô nợ, nhưng dù sao cũng đang có những dấu hiệu cải thiện khoảng cách giữa tỷ lệ nợ và GDP đã từ 28,9 vào tháng 3/2016 giảm xuống còn 16,7 vào tháng 9/2017.
Từ năm 2015, Trung Quốc đã thực hiện một loạt biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ khủng hoảng tài chính, nhất là với việc các ngân hàng Trung Quốc trở thành các ngân hàng khổng lồ không kém các ngân hàng Mỹ. Đặc biệt, Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ICBC) đã trở thành ngân hàng lớn nhất thế giới với tổng tài sản 3.760 tỷ USD. Nhưng kết quả hoạt động của các ngân hàng Trung Quốc vẫn không phải không đáng lo ngại, và giống như tại Italia, đang đầy rẫy nợ xấu.
Một hiện tượng đáng lo ngại khác là "shadow banking" - các khoản cho vay do các cơ quan tín dụng không phải là ngân hàng thực hiện. Theo nghiên cứu mới nhất, loại "tín dụng đen" này tại Trung Quốc đã không ngừng tăng cao, từ 3.995 tỷ USD năm 2014, tăng lên 5.987 tỷ USD năm 2015 và 7.011 năm 2016.