Doanh nghiệp
Bosch: Doanh nghiệp Đức thành công nhất ở Việt Nam
Nguyên Đức - 19/11/2014 09:14
Bosch, tập đoàn hàng đầu thế giới chuyên cung ứng công nghệ và dịch vụ đã không ngừng mở rộng đầu tư và trở thành một trong những doanh nghiệp Đức thành công nhất ở Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đón dòng vốn đầu tư từ Đức
Bosch dốc 3 tỷ euro để sở hữu toàn phần BSH
Bosch Việt Nam được cấp giấy chứng nhận công nghệ cao
Thời điểm để công ty Đức đầu tư lớn vào Việt Nam

“Đông Nam Á là khu vực tăng trưởng mạnh và là thị trường hàng tiêu dùng lớn thứ 3 trên thế giới. Bosch đã đến đúng lúc và đúng nơi để thâm nhập thị trường năng động này. Đặc biệt, chúng tôi vẫn tin rằng, Việt Nam là một trung tâm chiến lược trong các hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển (R&D) của Bosch”, ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam đã giải thích như vậy khi được hỏi về vai trò của thị trường Việt Nam trong chiến lược kinh doanh của Bosch tại châu Á và trên toàn cầu.

   
  Bosch là tập đoàn hàng đầu thế giới chuyên cung ứng công nghệ và dịch vụ, đã không ngừng mở rộng đầu tư ở VN  

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1994, nhưng tới tháng 4/2008, Bosch mới chính thức thành lập công ty con tại Việt Nam - Công ty TNHH Bosch Việt Nam, với trụ sở chính tại Đồng Nai, các chi nhánh tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Quan trọng hơn, một nhà máy chuyên sản xuất dây đai truyền lực dùng cho hộp số tự động dành cho ô tô được xây dựng ở Khu công nghiệp Long Thành (Đồng Nai). Ban đầu, nhà máy này chỉ có vốn đầu tư 50 triệu euro, nhưng chỉ sau một năm, đã nâng lên 100 triệu euro và cuối tháng 11 năm ngoái, khoản đầu tư mới 182 triệu euro cho tới năm 2016 đã chính thức được Bosch công bố.

“Khoản đầu tư mới này đã khẳng định được tầm quan trọng của Việt Nam đối với Bosch như là một trung tâm sản xuất linh kiện ô tô”, ông Huệ nói và cho biết, việc Bosch quyết định mở rộng đầu tư tại Việt Nam cũng một phần do kết quả kinh doanh vượt trội của Bosch Việt Nam trong những năm qua.

Chỉ tính riêng năm 2013, Bosch đã đạt doanh thu hợp nhất 46 triệu USD (35 triệu euro) tại Việt Nam, tăng gần gấp đôi so với năm 2012. Với kết quả này, tổng doanh thu ròng năm 2013 của Bosch, bao gồm doanh thu từ các công ty con chưa hạch toán hợp nhất và các đơn hàng giao trong nội bộ các công ty trực thuộc đạt 282 triệu USD (217 triệu euro).

“Sự tăng trưởng này phần lớn nhờ vào nhu cầu cao của các nhà sản xuất ô tô trên thế giới về dây đai truyền lực cho ô tô do nhà máy Bosch tại tỉnh Đồng Nai sản xuất”, ông Huệ nói và lý giải, tình hình phát triển kinh doanh khả quan của Bosch tiếp tục cho thấy, Việt Nam là một thị trường trọng điểm của Tập đoàn. Và tốc độ tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2014.

Cùng với doanh thu tăng trưởng mạnh, tháng 7/2014, Công ty đã chính thức nhận Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao từ Bộ Khoa học và Công nghệ. Điều đó có nghĩa rằng, nhà máy mà Bosch luôn tự hào là có hệ thống thiết bị, máy móc được trang bị công nghệ hiện đại và là nhà máy thứ hai của Bosch trên toàn cầu (sau nhà máy mẹ đầu tiên ở Tilburg, Hà Lan) sản xuất và cung cấp sản phẩm kỹ thuật cao này, sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều này không chỉ khích lệ Bosch trong quá trình mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, mà còn giúp Bosch thực hiện cam kết đồng hành với quá trình phát triển của Việt Nam.

“Tôi rất mừng là Bosch hiện được biết đến như một doanh nghiệp châu Âu đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp. Hơn thế, Bosch còn hoạt động trong cả ba lĩnh vực: sản xuất, thương mại và R&D”, ông Huệ chia sẻ.

Để được hưởng ưu đãi như một doanh nghiệp công nghệ cao, Bosch đã mở một trung tâm R&D tại TP.HCM. Bước đầu, Bosch sẽ tuyển dụng 30 kỹ sư và tập trung vào các hoạt động thiết kế bằng máy tính, mô phỏng và thử nghiệm những giải pháp kỹ thuật, công nghệ ô tô mới tại trung tâm R&D này.

“Thành lập trung tâm R&D ngành công nghệ ô tô là bước đi quan trọng của Bosch tại Việt Nam. Chúng tôi vững tin rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển để giữ vai trò là trung tâm chiến lược về R&D và sản xuất công nghệ cao của Bosch”, ông Huệ cho hay.

Thực tế, ngay trước khi thực hiện cam kết với Chính phủ Việt Nam, Bosch cũng đã thành lập một trung tâm nghiên cứu phần mềm, thực hiện một số công đoạn quan trọng trong R&D. Trung tâm này hiện có hơn 500 kỹ sư đang làm việc.

Để duy trì sự thành công tại Việt Nam, Bosch cũng đã có một quyết định quan trọng. Đó là không chỉ tăng đầu tư để tăng năng lực sản xuất, mà còn đầu tư vào việc phát triển nhân tài trong nước. Cuối năm 2013, Bosch cũng đã công bố chương trình đào tạo kép theo tiêu chuẩn Đức, hợp tác với Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (GIC/AHK) và Trường Cao đẳng nghề LILAMA 2 để thực hiện chương trình đào tạo nghề đã có truyền thống hơn 100 năm của Tập đoàn Bosch.

“Trong vòng 6 năm, Công ty đã phát triển chỉ từ hơn 20 nhân viên đến hơn 2.000 người hiện nay. Đối với tốc độ phát triển nhanh như thế, nguồn nhân lực là vấn đề mang tính sống còn. Việc xây dựng trung tâm đào tạo nghề kỹ thuật cao cũng là một biện pháp góp phần xây dựng lực lượng nhân sự trong tương lai cho xã hội nói chung và cho Bosch nói riêng”, ông Huệ nói và tự tin rằng, với các bước chuẩn bị này, bao gồm cả nguồn lực tài chính cho đầu tư, công tác R&D và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bosch sẽ tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ hơn tại thị trường Việt Nam trong tương lai.

Bosch quyết định mở rộng đầu tư tại VIệt Nam, một phần do có kết quả kinh doanh vượt trội trong các năm qua

Tin liên quan
Tin khác