Ông Liam Fox, Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế Vương quốc Anh |
Từ hàng trăm năm qua, nước Anh đã vươn ra mọi ngõ ngách thị trường trên toàn cầu, góp phần tăng cường phát triển kinh tế của chúng ta cũng như của các đối tác và các đồng minh.
Trong khi các ưu tiên khác đã thay đổi, thì cam kết thương mại tự do của chúng ta vẫn duy trì nền tảng cho chính sách kinh tế và đối ngoại của Anh. Thậm chí từ trước tháng 7/2016, nước Anh còn không có Bộ Thương mại quốc tế.
Có tình trạng kỳ lạ như vậy là bởi một nguyên nhân đơn giản: việc tham gia Liên minh châu Âu (EU) đã hạn chế khả năng hành động độc lập của nước Anh.
Tại một cuộc thăm dò dư luận của EU, công luận Anh đã biểu quyết việc phục hồi chủ quyền và điều đó cũng sẽ đòi hỏi phải khôi phục một truyền thống quý báu: đưa nước Anh trở lại vị trí của một quốc gia có nền thương mại độc lập trên quy mô toàn cầu.
Kể từ khi được thành lập (năm 2016), Bộ Thương mại quốc gia Anh đã luôn bận rộn với các hoạt động kinh tế đối ngoại. Bộ này đã hỗ trợ tích cực cho các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hỗ trợ hàng ngàn doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, đồng thời bắt đầu chuẩn bị cho các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) trong tương lai.
Với chính sách thương mại độc lập, chúng ta có thể đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại mới. Nước Anh sẽ lại có thể đưa ra các điều kiện cho hoạt động thương mại để phát huy những thế mạnh độc đáo của mình, đồng thời thúc đẩy phát triển thương mại ở mọi miền của đất nước.
Khi rời EU, chúng ta sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác mới, đi vào chiều sâu và đặc biệt với EU, trong đó bao gồm một thỏa thuận thương mại tự do toàn diện phục vụ lợi ích tất cả các bên.
Nhưng chúng ta cũng muốn tận dụng lợi thế của việc thương mại toàn cầu đang thay đổi. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo rằng, các khu vực ngoài EU sẽ đóng góp 90% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thương mại thế giới - vốn tăng trưởng chậm hơn so với GDP toàn cầu trong mấy năm qua - đã lấy lại đà và dự kiến tăng trưởng khả quan trong năm nay.
Các công nghệ mới, cả thực lẫn ảo, đang tạo ra các sản phẩm và dịch vụ phục vụ toàn cầu, nên xóa nhòa ranh giới địa lý. Lần đầu tiên, xuất khẩu dịch vụ của nước Anh đã vượt xuất khẩu hàng hóa sang các nước ngoài EU.
Việc rời khỏi một thị trường thống nhất và liên minh thuế quan hiện là cơ hội vàng để nước Anh tận dụng lợi thế trong xu hướng đó, để suy nghĩ lại những khái niệm về thương mại toàn cầu, cũng như tận dụng cơ hội từ sự tiến bộ và thay đổi của nền kinh tế thế giới.
Thương mại toàn cầu phát triển cũng làm tăng thêm mức độ phức tạp, với những phát triển mới về công nghệ, như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, công nghệ sinh học và robot. Do vậy, không chỉ doanh nghiệp, mà chính phủ các nước cũng phải thích ứng với những thay đổi đó, để đất nước mình không bị tụt lại đằng sau.
Nước Anh đã nhận thức rõ vấn đề này. Hậu Brexit, với chính sách thương mại độc lập, chúng ta sẽ hướng tới vị trí tiên phong trong kỷ nguyên công nghệ mới. Phần thưởng lớn sau năm 2019 là khả năng phát triển trong những lĩnh vực mà chúng ta có lợi thế cạnh tranh, như đưa dịch vụ tài chính của nước Anh trở lại vị trí dẫn đầu thế giới.
Nước Anh cam kết đấu tranh cho các thỏa thuận mậu dịch tự do mới trên toàn cầu, để không chỉ thúc đẩy mở cửa thương mại dịch vụ, mà còn củng cố các tiêu chuẩn quốc tế về điều tiết và ổn định tài chính. Đồng thời, nước Anh sẽ tận dụng việc phục hồi vị trí độc lập của mình để thúc đẩy tự do hóa thương mại hơn nữa trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).