Bên cạnh đó, vấn đề thao túng tiền tệ và bóng ma của chủ nghĩa bảo hộ cũng sẽ được đặt lên bàn nghị sự, song tâm điểm của mọi tâm điểm vẫn là vấn đề Brexit.
Hội nghị lần này cũng là dịp ra mắt của tân Bộ trưởng tài chính Anh Philip Hammond, người được dự kiến sẽ trình bày về các kế hoạch của Anh để duy trì tăng trưởng kinh tế sau sự cố Brexit.
"Sẽ có rất nhiều sự chú ý đến cuộc họp này, bởi đây là cuộc họp đầu tiên kể từ sau khi cử tri Anh bỏ phiếu Brexit gây chấn động thị trường ", một quan chức tài chính châu Á nói.
"Tôi hy vọng Hội nghị lần này sẽ tập trung hơn vào ảnh hưởng của Brexit đối với nền kinh tế thực trong dài hạn, đặc biệt là đối với các nền kinh tế mới nổi".
Quỹ Tiền tệ quốc tế mới đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu mà nguyên nhân chính cũng do sự cố Brexit. Theo định chế tài chính này, mối quan hệ thương mại không chắc chắn giữa nước Anh với châu Âu trong tương lai sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư và niềm tin của người tiêu dùng.
Các dữ liệu kinh tế tại Anh được công bố mới đây chưa cho thấy những tác động to lớn của sự cố Brexit và nền kinh tế đảo quốc sương mù đang có dấu hiệu bị thu hẹp với tốc độ nhanh nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Bộ trưởng tài chính Anh Hammond hôm qua cũng cho biết, nước Anh có thể thiết lập lại chính sách tài chính nếu cần thiết.