Nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ngãi sau khi trúng đấu giá lại xin trả lại mỏ cát. Trong ảnh: Hoạt động khai thác cát trên sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi) |
Nhiều doanh nghiệp “quay xe” sau khi trúng đấu giá mỏ cát
Thời gian qua, tại tỉnh Quảng Ngãi rộ lên tình trạng nhiều doanh nghiệp sau khi trúng đấu giá quyền khai thác mỏ cát thì xin trả lại mỏ. Chẳng hạn, Công ty TNHH Xây dựng Đồng Khánh có văn bản xin trả lại mỏ cát Trường Xuân - Thọ Lộc (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) cho tỉnh Quảng Ngãi sau khi trúng đấu giá.
Trong văn bản xin trả lại mỏ cát này, ông Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Công ty Xây dựng Đồng Khánh cho biết, theo Quyết định số 51/2022/QĐ-UBND ngày 20/12/2023 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về ban hành Bảng giá tính thuế tài nguyên năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giá cát tính thuế tài nguyên là 150.000 đồng/m3 và được phê duyệt tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản là 26.177.913.872 đồng. Tuy nhiên, sau khi hoàn chỉnh thủ tục để nộp hồ sơ cấp phép khai thác, ngày 22/12/2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi có Quyết định số 53/2023/QĐ-UBND về ban hành Bảng giá tính thuế tài nguyên năm 2024. Theo đó, giá cát tính thuế tài nguyên tăng lên 230.000 đồng/m3, dẫn đến tiền trúng đấu giá quyền khai thác tăng lên 40.139.467.937 đồng (tăng 13.961.554.065 đồng).
“Theo dự án đầu tư đã lập và được Sở Xây dựng thẩm định, tổng mức đầu tư là hơn 29 tỷ đồng (với giá tính thuế tài nguyên cát là 150.000 đồng/m3), thì Công ty cũng đã khó khăn với giá vật liệu, nhiên liệu tăng nhanh hiện nay. Khi giá cát tính thuế tài nguyên tăng lên 230.000 đồng/m3, thì tổng mức đầu tư Dự án tăng lên trên 40 tỷ đồng, ảnh hưởng đến vốn đầu tư của doanh nghiệp, kế hoạch kinh doanh và hiệu quả kinh tế của Dự án”, ông Hiền nêu lý do trả lại mỏ cát.
Tương tự, Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Hợp Nhất xin hủy kết quả trúng đấu giá mỏ cát ở thôn Đông Mỹ (xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) với diện tích 3,26 ha. Còn Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sao Việt xin hủy kết quả trúng đấu giá 2 mỏ cát, gồm mỏ cát 3,58 ha ở thôn Mỹ Hòa (xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa) và mỏ cát 5,9 ha tại thôn Thế Bình (xã Nghĩa Hiệp).
Trong khi đó, có trường hợp doanh nghiệp trúng đấu giá và được phân kỳ nộp tiền thuế tài nguyên theo từng năm cũng cho rằng, việc nộp thuế theo quy định mới năm 2024 (230.000 đồng/m3) là quá cao, nên đề nghị xin nộp theo mức giá cũ của năm 2023 (150.000 đồng/m3).
Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khoáng sản Quảng Ngãi (chủ mỏ cát Tịnh An - Nghĩa Dũng) cho biết, theo phân kỳ, doanh nghiệp đóng lần đầu (năm 2023) là 50 tỷ đồng; 4 lần còn lại nộp vào các năm tiếp theo, với tiền thuế tài nguyên phải đóng hơn 15,9 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, với việc áp dụng theo quy định mới năm 2024, số tiền mà doanh nghiệp phải đóng là quá cao, với hơn 24,5 tỷ đồng, tăng hơn 8,5 tỷ đồng.
Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc tính thuế đối với cát nói riêng và tài nguyên khoáng sản khác, như đất, đá… nói chung trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Cụ thể, những mỏ cát đấu giá thành công, doanh nghiệp chủ sở hữu (trúng đấu giá) đã hoàn thành thủ tục và thực hiện nộp tiền thuế tài nguyên tại thời điểm năm nào, thì áp dụng quy định mức tính thuế mới nhất, của thời điểm năm đó. “Nếu thời điểm mà chủ mỏ cát thực hiện nộp thuế là năm 2023, thì mức thuế tài nguyên cát phải thực hiện theo quy định năm 2023. Nếu nộp vào năm 2024, thì thực hiện theo quy định tính thuế của năm 2024”, vị này cho hay.
Chây ỳ đóng cửa mỏ sau khi hết hạn khai thác
Không chỉ doanh nghiệp trúng đấu giá đua nhau xin trả lại mỏ khoáng sản, mà tại Quảng Ngãi còn tồn tại tình trạng các mỏ khoáng sản đã kết thúc khai thác, nhưng chây ỳ đóng cửa mỏ theo quy định, khiến người dân trong khu vực có mỏ khoáng sản bức xúc, liên tục phản ánh đến các cơ quan chức năng.
Mới đây, cử tri xã Tịnh Thiện (TP. Quảng Ngãi) đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo xử lý dứt điểm việc phục hồi môi trường, bàn giao mặt bằng cho địa phương sau khi khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp đã thực hiện khai thác đất đồi trên địa bàn xã này.
UBND tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận, nhiều mỏ khoáng sản đã kết thúc khai thác, nhưng chưa hoàn thành công tác đóng cửa mỏ. Nguyên nhân chính là do các đơn vị chưa nghiêm túc, chậm thực hiện đóng cửa mỏ, trong khi các sở, ngành, địa phương chưa kiên quyết xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, quy định pháp luật chưa rõ ràng đối với trường hợp mỏ khoáng sản khi chủ mỏ bị thu hồi đăng ký kinh doanh, nhưng chưa giải thể, phá sản.
Chẳng hạn, với mỏ đất Núi Đoài (xã Tịnh Thiện, TP. Quảng Ngãi), ngày 11/9/2015, UBND tỉnh Quảng Ngã cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Xây lắp và Thương mại Xuân Phát. Theo đó, mỏ đất Núi Đoài hết phép vào ngày 12/9/2018, nhưng sau khi kết thúc khai thác, công ty trên không cải tạo, phục hồi môi trường, không đóng cửa mỏ. Hiện tại, Công ty này đã bị thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh, nhưng chưa thuộc trường hợp phá sản, giải thể, nên UBND tỉnh Quảng Ngãi chưa có cơ sở tổ chức thực hiện việc sử dụng tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường của mỏ đất Núi Đoài để cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ theo quy định tại khoản 2, Điều 46, Nghị định 158/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.
Trả lời phản ánh của cử tri xã Tịnh Thiện, ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo sở, ngành chuyên môn tham vấn ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện theo quy định.
Tương tự, mỏ đất núi Tân An (thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện) của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Tân dù đã lập Đề án đóng cửa mỏ và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1452/QĐ-UBND ngày 28/12/2023, nhưng công ty này vẫn kéo dài thời gian thực hiện đóng cửa mỏ. Với trường hợp này, ông Hiền cho biết, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý vi phạm và yêu cầu Công ty nghiêm túc thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định.