“Chúng ta đang trong cuộc chiến tiền tệ”, ông Gary Cohn, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Goldman Sachs phát biểu tại Hội nghị thường niên lần thứ 45 của Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa diễn ra tại Davos (Thụy Sỹ) và cho biết, các nước trên khắp thế giới đã thực sự chạy đua trong cuộc chiến tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Ray Dalio, nhà quản lý Quỹ đầu tư Bridgewater Associates (Mỹ), châu Âu và Nhật Bản đang rất cần phá giá đồng tiền của mình để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế vốn đang rất trì trệ hiện nay. Thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa diễn ra, ông Dalio cho biết, chi phí bình quân một nhân công châu Âu hiện gấp đôi so với nhân công tại Mỹ. Thực tế này đòi hỏi phải cải cách cơ cấu cũng như phá giá đồng tiền.
“Các nhà hoạch định chính sách không thể đàm phán về việc thay đổi tỷ giá. Do vậy, vấn đề tiền tệ sẽ còn ảnh hưởng lớn hơn nữa trong thời gian tới”, ông Dalio nhận định.
Hàng tỷ USD của các nhà đầu tư đã bốc hơi trong mấy ngày qua do việc chạy đua phá giá đồng tiền |
Cuộc chiến tiền tệ xuất phát từ việc các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đang nỗ lực kích thích tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu bằng việc nới lỏng tiền tệ. Mới đây nhất, ngày 23/1, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định bỏ ra 1.000 tỷ euro để mua trái phiếu chính phủ nhằm ngăn ngừa nguy cơ giảm phát và kích thích tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro.
Ngay sau khi ECB đưa ra tuyên bố trên, tỷ giá đồng euro đã giảm thêm gần 1% so với USD. Được biết, tỷ giá euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Hệ lụy của động thái trên của các nước châu Âu, theo ông Dalio, sẽ hạn chế khả năng cho vay bằng đồng USD, đồng thời làm phình to các khoản nợ bằng USD mà các con nợ nước ngoài đang phải gánh.
Trước đó, ngày 15/1, Thụy Sỹ đã cho phá giá đồng nội tệ và ngay sau đó, đồng franc của nước này đã mất giá tới 30% so với USD.
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, kể từ khi Thụy Sỹ cho phá giá đồng nội tệ đến nay, các ngân hàng và nhà đầu tư trên thế giới đã bị thua lỗ hàng tỷ USD, không ít nhà môi giới ngoại hối đã bị phá sản vì khách hàng của họ không thể xử lý được các khoản thua lỗ của mình.
Trước tình hình cuộc chiến tiền tệ trở nên nghiêm trọng hơn, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng, cách duy nhất để xử lý tình hình là phải hạ tỷ giá USD. Mỹ muốn các nước tăng tỷ giá các đồng nội tệ của mình so với USD để đồng USD có thể hạ giá.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn nỗ lực thuyết phục nhà đầu tư rằng, nước này sẽ đạt được mục tiêu lạm phát đã đưa ra. Ngân hàng Anh thì cảnh báo, những nước muốn tăng lãi suất đang phải dừng lại. Thực tế, Đan Mạch vừa phải giảm lãi suất ngày 23/1, Canada giảm lãi suất hôm đầu tuần này, Ấn Độ thì giảm lãi suất trong tuần trước.
Nhìn nhận quyết định nới lỏng tiền tệ của ECB - vấn đề được xem là kịch tính nhất trong cuộc chiến tiền tệ hiện nay, ông William White, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thanh toán quốc tế và hiện là cố vấn cho Thủ tướng đức Angela Merkel cho rằng, việc này sẽ không mấy tác dụng.
“Việc nới lỏng định lượng nói chung không giúp ích được gì. Lý do là, so với Mỹ, châu Âu phải dựa hơn nhiều vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các doanh nghiệp này thường sử dụng tiền của các ngân hàng, chứ không phải là trái phiếu. Trong khi đó, với nợ công và nợ của khu vực tư nhân trên toàn cầu quá lớn, chúng ta đang bắt hổ bằng đuôi”, ông White phân tích.
Với cái nhìn lạc quan, ông David Waddell, Giám đốc điều hành Hãng quản lý tài sản Waddell & Associates có trụ sở tại Memphis (Tennessee, Mỹ) cho rằng, cuộc chiến tiền tệ hiện nay sẽ không trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với nhà đầu tư.
“Cuộc chiến tiền tệ này không dẫn đến một năm tồi tệ đối với nhà đầu tư, song nó gây khó cho việc dự báo về sự thành bại của các nhà đầu tư. Biện pháp tốt nhất trong tình hình hiện nay là nhà đầu tư phải đa dạng hoá danh mục đầu tư”, ông David Waddell nhận định.
Việt Nga