Cổ phiếu VPB thăng hoa trong phiên giao dịch chiều 29/4 |
Xác lập đỉnh giá mới, VPBank tiến gần hơn mục tiêu top 3 ngân hàng giá trị nhất
Chỉ lình xinh đi ngang trong phiên sáng, cổ phiếu VPBank gây bất ngờ khi vọt lên từ giữa phiên chiều. Giá cổ phiếu VPB từng có thời điểm chạm trần, sau đó kết phiên tăng 6,36% lên 58.500 đồng/cổ phiếu. Từ đầu năm, cổ phiếu này đã tăng 80% về giá.
Đây cũng là mức giá cao nhất trong lịch sử của VPBank, đưa vốn hoá thị trường của nhà băng này lên 143.603 tỷ đồng. Về giá trị vốn hoá, VPBank hiện đang đứng vị trí thứ 5 nhưng chỉ còn cách ngân hàng lớn thứ tư về vốn hoá (Techcombank) chưa đến 100 tỷ đồng và kém 8.312 tỷ đồng so với vốn hoá của ngân hàng nắm vị trí thứ ba (VietinBank).
Cách đây ba năm, khi lần đầu tiên tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên khi trở thành công ty niêm yết, VPBank đã đặt ra mục tiêu ở giai đoạn 2018-2022 nằm trong Top 3 ngân hàng giá trị nhất Việt Nam. Để đạt được mức vốn hoá như VietinBank hiện tại, giá cổ phiếu VPB cần tăng thêm khoảng 3.500 đồng lên 62.000 đồng.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tổ chức cũng vào chiều nay, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, cho biết thương vụ bán 49% vốn FE Credit cho SMBC ước tính giúp ngân hàng thu về lượng vốn gần 1,4 tỷ USD. Nguồn tiền thu về từ thương vụ bán FE Credit trước hết sẽ nâng hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng từ mức 11% hiện nay có thể lên trên 20%. Tương lai, ngân hàng có thể sẽ tăng vốn điều lệ từ mức 24.567 tỷ đồng hiện tại lên 75.000 tỷ đồng, từ nguồn thặng dư vốn và phát hành cho cổ đông chiến lược.
Giao dịch giằng co, nhóm ngân hàng và vật liệu xây dựng vụt sáng
Phiên giao dịch 29/4 đã đưa VPB trở thành cổ phiếu kéo VN-Index tăng điểm nhiều nhất. Đồng thời, cổ phiếu này cũng đứng đầu về thanh khoản với giá trị giao dịch kỷ lục hơn 2.340 tỷ đồng. Hơn 41,5 triệu cổ phiếu VPB được sang tay, mức cao nhất kể từ khi niêm yết.
Chỉ số sàn HoSE đóng cửa tăng 9,84 điểm lên 1.239,39 điểm. Trong đó, riêng VPB góp 2,4 điểm tăng. Nhưng không riêng cổ phiếu này, 6/10 cổ phiếu kéo thị trường tăng hôm nay đều là các nhà băng gồm VPB, CTG, TCB, VCB, ACB, BID. Trong khi đó, thiếu trợ lực của cổ phiếu ngân hàng do SHB đi ngang còn BAB giảm 0,8%, HNX-Index đóng cửa giảm 0,11% xuống 281,7 điểm. Chỉ số sàn UPCoM tăng nhẹ 0,7%.
Trong 19 cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết, có đến 14 cổ phiếu tăng giá. Cổ phiếu VPBank và LienVietPostBank – 2 ngân hàng tổ chức cuộc họp cổ đông hôm nay tăng mạnh nhất, lần lượt 6,36% và 5,13%.
Ngoài nhóm ngân hàng, cổ phiếu thép cũng bứt phá. Cổ phiếu HPG và HSG tăng lần lượt 3,75% và 1,44%. Tương tự VPB, cổ phiếu HPG có thời điểm giao dịch ở mức giá 58.700 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong lịch sử giao dịch và đóng cửa tại mức giá 58.100 đồng.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu bất động sản giao dịch phân hoá, trong đó cổ phiếu nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn lại giảm. VHM giảm 1,59%, VIC cũng giảm 0,38%, PDR giảm 1,82%.
Thanh khoản thị trường đã có tín hiệu tích cực hơn với giá trị giao dịch cả ba sàn đạt 22.317 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) sau hai ngày chỉ quanh khoảng 18.000 tỷ đồng. Giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 18.090 tỷ đồng, tăng 26,97% so với phiên trước.
Khối ngoại bán ròng 387 tỷ đồng ở sàn HoSE, nhưng trong đó riêng giá trị chốt lời tại VPBank của các nhà đầu tư nước ngoài đã là 586 tỷ đồng. Nếu không kể phần giao dịch cổ phiếu VPB, khối ngoại có thể tiếp tục có tới 5 phiên mua ròng liên tiếp trên HoSE. HPG được khối ngoại tăng tỷ trọng nắm giữ khi rót thêm 113 tỷ đồng. Trên sàn HNX và UPCoM, khối ngoại mua ròng khoảng 16 tỷ đồng mỗi sàn.