Kinh tế 2017 sẽ đạt đỉnh tăng trưởng
Đỉnh tăng trưởng mới của nền kinh tế có thể sẽ được thiết lập trong năm nay, khi trong báo cáo gửi tới Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV khai mạc sáng nay (23/10), Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, năm 2015, khi tốc độ tăng trưởng GDP được công bố ở mức 6,68%, cả nền kinh tế hồ hởi. Bởi đó là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm trước đó. Điều này cho thấy, đà tăng trưởng đang quay trở lại.
Đà tăng trưởng đang quay trở lại trên nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành công nghiệp. Ảnh: Đức Thanh |
Nhưng năm 2017, mức tăng trưởng đạt được có thể còn cao hơn thế - mức 6,7%, và thậm chí cao hơn, nếu những tháng cuối năm tiếp tục nỗ lực. Đây là một thành tựu rất đáng ghi nhận, nhất là khi năm 2016, tăng trưởng GDP chỉ đạt 6,21% và sau hai quý đầu năm nay, kinh tế khó khăn, nhiều quan điểm cho rằng, Chính phủ nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, bởi mục tiêu 6,7% là khó đạt được.
Tuy nhiên, kiên định mục tiêu ấy, nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được ban hành và quyết liệt thực hiện.
Kết quả mang lại rất rõ ràng. Từ tốc độ tăng trưởng chỉ 5,15% trong quý I, nền kinh tế đã bứt tốc nhanh chóng, để đạt tốc độ tăng trưởng 6,28% trong quý II và 7,46% trong quý III, đưa tăng trưởng GDP 9 tháng lên 6,41% và đang trên đà tiến tới mục tiêu 6,7%.
Không chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng mà theo báo cáo của Chính phủ, năm nay sẽ là năm đầu tiên trong nhiều năm, tất cả 13 mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch.
Báo cáo chính thức về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 sẽ được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV. Các đại biểu Quốc hội cũng sẽ tập trung thảo luận về báo cáo này trong những ngày tới, song trước khi Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV bắt đầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về báo cáo.
Một trong những nội dung đã được Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đó là việc lần đầu tiên trong nhiều năm gần đây, nền kinh tế đã đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu đề ra, trong đó có chỉ tiêu khó như tăng trưởng GDP, tổng mức đầu tư toàn xã hội và ngay cả chỉ tiêu độ che phủ rừng...
Ngay cả mục tiêu kiểm soát lạm phát, không phải không có những ý kiến quan ngại về việc lạm phát năm nay có thể bị đẩy lên cao, do Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp để thúc tăng trưởng. Tuy nhiên, theo báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ dự báo, ước thực hiện cả năm, CPI bình quân tăng khoảng 4% so với năm 2016, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Đây là một trong những nền tảng quan trọng để tạo sự ổn định vĩ mô cho nền kinh tế.
Trong khi đó, một cách thẳng thắn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu một mặt đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, một mặt nhấn mạnh rằng nền kinh tế đã “khởi sắc thực sự và rất thuyết phục”. Theo ông, về cả nguyên lý và thực tiễn, ông “không hoài nghi” số liệu mà Chính phủ đã công bố.
“Đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7% là một cố gắng lớn của Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô và chuyển hướng sang lấy công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt”, thay mặt Chính phủ gửi báo cáo tới Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh như vậy.
Kinh tế 2018 liệu có tiếp tục bứt phá?
Khi kinh tế 2017 đã thực sự khởi sắc, thì câu hỏi đặt ra trong lúc này là kinh tế 2018 liệu có tiếp tục đà bứt phá đó?
Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra với các chỉ tiêu cụ thể như tăng trưởng GDP 6,5 - 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8% so với năm 2017; tỷ lệ nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng 33-34% GDP; lạm phát khoảng 4%...
Kết quả đáng ghi nhận của năm 2017 sẽ là bàn đạp để kinh tế 2018 tiếp tục bứt phá. Tuy nhiên, đã có tới 6 khó khăn, thách thức của nền kinh tế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, mà nếu không kịp thời có giải pháp để vượt qua, thì khó khăn sẽ đè nặng lên nền kinh tế trong năm 2018. Trong đó đáng lưu ý là quá trình cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; chất lượng tăng trưởng kinh tế tuy đã có cải thiện một bước, nhưng vẫn ở mức thấp so với yêu cầu, hiệu quả đầu tư chưa cao, tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP vẫn lớn…
Chưa kể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, còn một điều “day dứt”, đó là tuy pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội được ban hành, nhưng mới dừng ở cấp Trung ương, chậm đi vào cuộc sống. Thêm nữa, dù cùng đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,7% nhưng giữa tăng trưởng 6,7% với nền tảng GDP của năm 2016 với tăng trưởng 6,7% so với GDP năm 2017 - là năm có tốc độ tăng trưởng đạt đỉnh - là một khoảng cách khá lớn. Để năm 2018, nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% sẽ không dễ dàng. Vì thế, dư luận đang chờ các đại biểu Quốc hội “hiến kế”.