Hyosung TNC - công ty con của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) rót 1.000 tỷ won (khoảng 740 triệu USD) đầu tư vào Nhà máy sản xuất sản phẩm sinh học Bio-BDO, công suất 200.000 tấn tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là nhà máy Bio-BDO đầu tiên ở Việt Nam và châu Á của Hyosung TNC.
Sản phẩm của nhà máy là Bio-BDO (Butanediol) - hóa chất được dùng làm nguyên liệu sản xuất sợi spandex. Bên cạnh sợi spandex, các ứng dụng của BDO có thể mở rộng sang lĩnh vực chế tạo nhựa kỹ thuật, bao bì phân hủy sinh học, đế giày dép, hợp chất công nghiệp và nhiều ngành công nghiệp khác.
Quyết định đầu tư nhà máy này tại Việt Nam của Hyosung nằm trong kế hoạch thích nghi với sự chuyển dịch của thị trường vật liệu toàn cầu, hướng đến các sản phẩm bền vững. Hiện Hyosung TNC hợp tác với Geno để ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến cho phép doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ dự án để có thể sản xuất và kinh doanh thương mại Bio-BDO với công suất 50.000 tấn/năm trong nửa đầu năm 2026.
Theo ông Hyun-Joon Cho, Chủ tịch Hyosung, lĩnh vực sinh học, chuyển đổi nguyên liệu hóa thạch truyền thống thành vật liệu thân thiện môi trường sẽ trở thành trụ cột của Hyosung trong 100 năm tới. Trong đó, Việt Nam là một trong những bước đi chiến lược của Tập đoàn để tham gia thị trường vật liệu bền vững toàn cầu, dựa trên hệ thống sản xuất Bio-BDO và Bio Spandex nhất quán.
Được thành lập năm 1966, Tập đoàn Hyosung từ Hàn Quốc có thế mạnh ở đa lĩnh vực từ sợi spandex, nylon, đến các vật liệu kỹ thuật trong ô tô như tire cord, steel cord... Hyosung đã đầu tư lũy kế hơn 4 tỷ USD vào các sản phẩm thế mạnh như sợi spandex và tire cord. Năm 2007, Tập đoàn đầu tư tại Việt Nam thông qua dự án nhà máy tại Đồng Nai. Đến nay, nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc này đã đặt cơ sở sản xuất tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, Bắc Ninh.
Ngoài Hyosung, Tập đoàn SK cũng vừa khởi công Nhà máy sản xuất nhựa sinh học nghệ cao Ecovance tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD. Khi đi vào hoạt động ổn định, mỗi năm nhà máy sẽ sản xuất 70.000 tấn sản phẩm nhựa phân hủy sinh học PBAT; 59.500 tấn sản phẩm nhựa phân hủy sinh học PBS và 6.300 tấn sản phẩm dung môi TH (sản phẩm phụ tạo ra trong quá trình sản xuất PBAT).
Trước đó, Tập đoàn SEP muốn đầu tư hơn 200 triệu USD để thành lập Khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu carbon đầu tiên tại Việt Nam trên diện tích 180 ha tại tỉnh Bình Dương. Theo đó, khoảng 20 doanh nghiệp thành viên của SEP sẽ tham gia và đầu tư các giải pháp trung hòa carbon.
Bước đi chiến lược của các doanh nghiệp Hàn Quốc trên vào Việt Nam phần lớn nhờ lực đẩy từ chính phủ nước này. Theo đó, Hàn Quốc đang triển khai mạnh mẽ kế hoạch rót vốn củng cố ngành công nghệ sinh học. Năm ngoái, họ chi 559,4 tỷ won (438,4 triệu USD) cho lĩnh vực công nghệ sinh học, trong đó 251 tỷ won cho R&D các công nghệ sinh học tương lai và dự án thành lập một trung tâm dữ liệu lớn về vật liệu sinh học. Năm nay, trong khoảng 5.000 tỷ won (3,7 tỷ USD) dành cho phát triển các công nghệ chiến lược quốc gia, có 977,2 tỷ won vào ngành sinh học tiên tiến.
Riêng ở mảng năng lượng sinh học, 5 năm qua, Chính phủ Hàn Quốc đã tài trợ tổng cộng 464.276 triệu won cho hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực sinh khối trong nước. Con số này tiếp tục tăng với tốc độ tăng trung bình hàng năm là 22,7%. Với sự tài trợ của Chính phủ, tổng cộng đã có 1.956 dự án được triển khai 5 năm qua.
Trên phạm vi toàn thế giới, đang có làn sóng đầu tư lớn vào công nghệ sinh học. Quy mô thị trường công nghệ sinh học toàn cầu bứt phá mạnh mẽ với tỷ lệ tăng trưởng hằng năm gần 18% để vượt mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2030, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe…
Việt Nam phấn đấu đến năm 2045 trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới. Theo đó, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á.