Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II nằm trong chuỗi Khí điện Lô B - Ô Môn, bao gồm 4 dự án điện tại Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn. Trong ảnh: Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I. Ảnh: Lương Minh |
Những bước đi mới
Thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và liên danh gồm Marubeni Corporation và Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (WTO) vừa được ký ngày 22/2. Nội dung chính của Thỏa thuận khung là thống nhất các nguyên tắc và các điều khoản chính trong Hợp đồng bán khí (GSA), làm cơ sở để các bên thúc đẩy tiến độ đầu tư toàn bộ các dự án trong chuỗi khí - điện Lô B.
Tổng giám đốc Petrovietnam, ông Lê Mạnh Hùng bày tỏ mong muốn, Hợp đồng bán khí cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II sẽ được hoàn tất trong năm 2023.
Chỉ một ngày trước khi diễn ra lễ ký trên, Công ty TNHH Điện Ô Môn II - doanh nghiệp được thành lập bởi 2 nhà đầu tư là WTO và Marubeni để thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ phía TP. Cần Thơ.
“Công ty dự án này sẽ là nền tảng vững chắc để chúng tôi đẩy nhanh hơn nữa các hoạt động phát triển dự án thông qua việc chia sẻ những thế mạnh của các bên”, ông Shino Moroo, Tổng giám đốc Marubenin Asia Power Singapore, phụ trách phát triển và quản lý tất cả các dự án điện của Tập đoàn tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, chia sẻ.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II tại Trung tâm Điện lực Ô Môn (TP. Cần Thơ) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cuối năm 2020 và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 22/1/2021. Dự án có công suất thiết kế 1.050 MW ± 10%, cấu hình lựa chọn là 2-2-1 (2 tua-bin khí, 2 lò hơi thu hồi nhiệt và 1 tua-bin hơi) đảm bảo hiệu suất tối ưu, độ tin cậy và khả năng linh hoạt cao trong quá trình vận hành.
Dự kiến, khi Nhà máy đi vào hoạt động, sẽ tiêu thụ khoảng 1,35 tỷ m3 khí/năm. Về tiến độ thực hiện, Nhà máy sẽ hoàn thành đầu tư và chính thức đưa vào vận hành thương mại năm 2026 - 2027, bảo đảm phù hợp với tiến độ chung của chuỗi dự án khí - điện Lô B.
Trong tương lai, khi Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II đi vào hoạt động, sẽ sản xuất bình quân khoảng 6,3 tỷ kWh điện mỗi năm, góp phần tăng cường năng lực cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia. Bên cạnh đó, Nhà máy còn giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động, trong đó, giai đoạn thi công Nhà máy sẽ tuyển dụng khoảng 1.000 lao động và giai đoạn vận hành sẽ tuyển dụng khoảng 250 lao động.
Bộn bề công việc
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II khi được trình Thủ tướng để cấp chủ trương đầu tư có tổng mức đầu tư sơ bộ 30.560 tỷ đồng. Cùng với việc sử dụng nguồn khí từ Lô B, Dự án có tính tới sử dụng khí LNG nhập khẩu cho giai đoạn suy giảm của khí Lô B. Nhà đầu tư kỳ vọng bán điện giá 11,02 UScent/kWh, với thời hạn hoạt động 50 năm.
Dự án có kế hoạch vay thương mại 24.443 tỷ đồng, tương đương 80% tổng mức đầu tư. Đã có 4 ngân hàng đều đến từ Nhật Bản là Ngân hàng MUFG, Ngân hàng SMBC, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Ngân hàng MIZUHO có thư xác nhận quan tâm tới Dự án. Tuy nhiên, quyết định tài trợ sẽ phụ thuộc vào việc nhà đầu tư đáp ứng đầy đủ các điều kiện do ngân hàng nước ngoài yêu cầu.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty Mua bán điện cho biết, hiện nay, các bên vẫn chưa xúc tiến một cuộc gặp nào để triển khai đàm phán Hợp đồng mua bán điện cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II. Phía mua điện cũng cho hay, hiện có rất nhiều dự án điện lớn triển khai và các nhà đầu tư cần phải tính tới việc tham gia chào giá trên thị trường, thay vì trông chờ được bao tiêu như các dự án BOT.
Về tổng thể, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II nằm trong chuỗi Khí điện Lô B - Ô Môn, bao gồm dự án khai thác khí từ Lô B, dự án đường ống vận chuyển khí từ Lô B và Ô Môn và 4 dự án điện tại Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn ở TP. Cần Thơ.
Vào tháng 11/2022, Bộ Công thương thống nhất với kiến nghị của Petrovietnam và EVN về việc các nhà máy nhiệt điện sử dụng khí Lô B gián tiếp tham gia thị trường điện theo quy định tại Thông tư số 45/2018/TT-BCT. Việc này nhằm không ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ hết lượng khí bao tiêu năm với các nhà máy điện Ô Môn I, III và IV của EVN đầu tư khi gián tiếp tham gia thị trường điện.
Theo tính toán, giá điện bình quân của các nhà máy Ô Môn quanh mức 3.000 đồng/kWh - cao hơn so với nhiều nhà máy điện khác, nên sẽ gây khó khăn khi tham gia thị trường điện với việc chào giá cạnh tranh để được huy động. Thậm chí, ngay cả khi được phép chuyển ngang bao tiêu khí sang hợp đồng mua bán điện với các nhà máy điện sử dụng khí Lô B của EVN theo quy định của Thông tư số 24/2019/TT-BCT và tham gia thị trường điện, thì EVN vẫn phải đối mặt với rủi ro không tiêu thụ hết lượng khí bao tiêu.
Bên cạnh đó, Dự án điện khí Ô Môn III do EVN đầu tư hiện gặp thách thức khi đề xuất vay vốn ODA vướng về cơ chế tài chính trong nước, do không có ngân hàng thương mại trong nước nào đáp ứng các điều kiện để thực hiện chức năng cơ quan cho vay lại chịu toàn bộ rủi ro tín dụng đối với khoản vay từ JICA cho Dự án như đề nghị của Bộ Tài chính.
Hiện phương án được đưa ra là Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng và cho phép EVN được vay lại toàn bộ khoản vay ODA đang chờ ý kiến của các cơ quan liên quan. Tuy vậy, các bên vẫn hy vọng, Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) của Dự án khai thác mỏ khí Lô B sẽ có vào tháng 6/2023, kịp có dòng khí đầu tiên vào bờ trong cuối năm 2026.
Toàn bộ nguồn khí Lô B sẽ được vận chuyển bằng đường ống về khu vực quận Ô Môn (TP. Cần Thơ) cung cấp khí cho các Nhà máy điện Ô Môn I, Ô Môn II, Ô Môn III và Ô Môn IV, với tổng công suất khoảng 3.810 MW.
Trong giai đoạn bình ổn, nguồn khí Lô B sẽ cung cấp cho các nhà máy điện mỗi năm khoảng 5,06 tỷ m3 khí để sản xuất khoảng 21,2 tỷ Kwh đáp ứng một phần nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.