Phối cảnh “siêu dự án” cảng Cần Giờ |
Đủ căn cứ chính trị và pháp lý
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Báo cáo thẩm định số 5590/BC-BKHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn.
Đây là dự án do Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn (đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - VIMC) và Terminal Investment Limited Holding S.A-TIL (đơn vị thành viên của hãng tàu biển lớn bậc nhất thế giới là Mediterranean Shipping Company - MSC đề xuất).
Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đã được liên danh Cảng Sài Gòn - TIL gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định theo quy định của Luật Đầu tư vào đầu tháng 4/2023. Do tính chất và quy mô đặc biệt của Dự án, nên quá trình thẩm định này hết sức cẩn trọng, với sự tham gia ý kiến của 10 bộ, ngành và UBND TP.HCM. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được văn bản tham gia của 11/11 cơ quan (Bộ Công an là văn bản của Cục An ninh kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường là văn bản của Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất).
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn thuộc Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; không thuộc diện quy định tại khoản 4, Điều 29, Luật Đầu tư, nên không thuộc trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
“Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và báo cáo Thủ tướng xem xét việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án (chưa có nhà đầu tư) theo quy định của pháp luật về đầu tư. Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư thực hiện dự án thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 và pháp luật về đấu thầu”, Báo cáo thẩm định số 5590/BC-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Điểm nhấn nổi bật nhất trong Báo cáo thẩm định số 5590/BC-BKHĐT là việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, đã có đủ căn cứ chính trị và pháp lý để xem xét quyết định chủ trương đầu tư cho Dự án. Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã đưa Dự án vào nhóm các dự án thực hiện lựa chọn nhà đầu tư chiến lược làm cơ sở thúc đẩy kinh tế và làm động lực phát triển cho TP.HCM nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn khi được triển khai thành công, sẽ bổ sung tiềm năng của hệ thống cảng biển hiện hữu; tương hỗ và khai thác tốt nhất tiềm năng của cụm cảng biển số 4 trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế; khẳng định vị thế và định vị quốc gia của Việt Nam trên bản đồ hàng hải quốc tế với vai trò là trung tâm trung chuyển vận tải, logistics lớn của khu vực và thế giới.
“Dự án còn giúp Việt Nam trở thành khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế đối ngoại, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia và có tính chất, ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế biển”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
Để đảm bảo sự thành công và nâng cao hiệu quả của Dự án, bên cạnh việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, việc lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược có đủ kinh nghiệm, năng lực, công nghệ vận hành khai thác cảng, mạng lưới logistics quốc tế, nguồn hàng trung chuyển quốc tế là yếu tố quyết định.
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn nằm ở vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ có hệ thống rừng ngập mặn tái sinh được UNESCO công nhận, nên vấn đề môi trường và công nghệ sử dụng xây dựng, vận hành cảng là yếu tố quan trọng để hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới khu vực Khu dự trữ sinh quyển. Do đó, cơ quan thẩm định Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thể hiện rõ quan điểm về môi trường Dự án.
Cùng với đó, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) - cơ quan được Thủ tướng giao thẩm định Đề án Nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ của TP.HCM có ý kiến về các vấn đề liên quan đến công nghệ, kết nối giao thông, để đảm bảo phát huy hiệu quả khi dự án triển khai; điều phối nguồn hàng của các cảng trong nhóm cảng biển số 4.
“Sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ GTVT về các nội dung nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư có điều kiện đối với Dự án”, Báo cáo thẩm định số 5590/BC-BKHĐT nêu rõ.
Chốt quy mô vốn tối thiểu
Các nội dung chính của Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng phê duyệt gồm: vốn đầu tư tối thiểu 50.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư đảm bảo không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư dự án; thời hạn hoạt động không quá 50 năm; nhà đầu tư phải giải ngân vốn đầu tư trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư; hình thức lựa chọn nhà đầu tư do UBND TP.HCM thực hiện theo quy định tại khoản 7, Điều 7, Nghị quyết số 98/2023/QH15…
Trong Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án, liên danh Cảng Sài Gòn - TIL đề xuất thực hiện Dự án với tổng mức đầu tư (không tính lãi vay trong thời gian xây dựng) là 113.531,7 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD. Đối với đề xuất này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng, việc xác định tổng vốn đầu tư phụ thuộc vào quy mô của Dự án tại Đề án Nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ mà UBND TP.HCM đang trình Thủ tướng và đề xuất của nhà đầu tư đăng ký khi tham gia quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, tổng vốn đầu tư Dự án phải đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 98/2023/QH15 (từ 50.000 tỷ đồng trở lên). Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư thực hiện Dự án cũng phải đảm bảo không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, vị trí thực hiện Dự án thuộc cù lao biệt lập với các khu vực lân cận, việc kết nối giao thông hiện nay mới chỉ bằng đường biển và đường thủy, chưa có các phương thức kết nối giao thông khác.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND TP.HCM phối hợp với Bộ GTVT rà soát, đánh giá khả năng đầu tư các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông phục vụ việc phát triển công trình. Đồng thời, cân đối nguồn lực, trong đó có cả việc huy động các thành phần kinh tế khác để hoàn thành các công trình kỹ thuật kết nối Dự án với khu vực bên ngoài.
Được biết, trong Đề án Nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cập nhật sau thẩm định, được gửi tới Bộ GTVT ngày 30/7/2024, UBND TP.HCM cho biết, trục đường bộ kết nối với huyện Cần Giờ là cao tốc Bến Lức - Long Thành có chiều dài 58 km đang được đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025; trong đó, đoạn đi qua huyện Cần Giờ tại xã Bình Khánh là đường trên cao.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đang tổ chức lập đề xuất chủ trương đầu tư Dự án cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh và tuyến kết nối trung tâm Thành phố với huyện Cần Giờ, dự kiến khởi công xây dựng năm 2025, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2028.
Liên quan đến năng lực nhà đầu tư nước ngoài đề xuất Dự án, ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc VIMC cho biết, MSC là hãng tàu lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sỹ. Hãng tàu này có năng lực chuyên chở của đội tàu đạt trên 23 triệu Teu/năm, chiếm 18% tổng năng lực vận tải đội tàu thế giới. Các tuyến dịch vụ của MSC đang kết nối tới hơn 500 cảng biển toàn cầu.
Tại Đông Nam Á, MSC đang thực hiện trung chuyển quốc tế tại hai cảng là Pasir Panjang ở Singapore (liên doanh giữa MSC với PSA Singapore) và bến cảng Tanjung Pelepas ở Malaysia. Trong bối cảnh thị trường cảng trung chuyển tại khu vực này có tính cạnh tranh cao, Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn đang được hãng tàu MSC quan tâm, mong muốn tham gia hợp tác đầu tư, nằm trong chiến lược mở rộng của Hãng. MSC có động cơ rõ ràng để tăng cường đầu tư vào khu vực.
Theo lãnh đạo VIMC, hiện hàng hóa tại các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Nam Trung Quốc và Philippines chủ yếu được trung chuyển tại Singapore hay Malaysia. Trường hợp hàng hóa từ quốc gia trong khu vực nêu trên trung chuyển tại Cần Giờ, cự ly vận chuyển giảm khoảng 30 - 70% so với khi đến Singapore.
Vị trí dự kiến xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn rõ ràng có nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng quốc tế tới từ các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Trung Quốc và Philippines.
Tại Việt Nam, MSC hiện có dịch vụ tới hệ thống các cảng container tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cái Mép - Thị Vải... Hằng năm, đội tàu MSC vận chuyển hơn 1 triệu Teu hàng hóa xuất nhập khẩu từ Việt Nam kết nối với các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Đông Nam Á...
Trong các cuộc tiếp kiến lãnh đạo Chính phủ, MSC cho biết, đang có kế hoạch phát triển mạng lưới nội Á, cũng như tạo ra một trung tâm trung chuyển có chức năng tổng hợp khối lượng hàng hóa đang thực hiện ở các địa điểm châu Á khác nhau.
Trong đó, MSC có kế hoạch di dời một phần hoạt động trung chuyển của hãng tàu về Việt Nam, xây dựng cảng trung chuyển quốc tế, hình thành trung tâm trung chuyển tại Việt Nam. Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng mà dự kiến MSC muốn đầu tư có thể đạt khoảng 4,8 triệu Teu vào năm 2030 và khoảng 16,9 triệu Teu vào năm 2047, với mục tiêu khai thác phần lớn là hàng trung chuyển quốc tế do Hãng phân phối.
“Sau khi Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được xây dựng, sẽ bổ sung tiềm năng của hệ thống khu cảng Cái Mép - Thị Vải hiện hữu, tương hỗ, không cạnh tranh, khai thác tốt nhất tiềm năng của cụm cảng biển số 4, góp phần đưa khu vực này trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế tầm cỡ thế giới”, ông Phạm Anh Tuấn đánh giá.