Doanh nghiệp
Busadco: Tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường
Phương Liên - 03/01/2022 14:47
Busadco và Tổng giám đốc Hoàng Đức Thảo xác lập Kỷ lục thế giới về Nghiên cứu, ứng dụng thực hành và thực chứng trong lĩnh vực hạ tầng, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Tổng giám đốc Busadco Hoàng Đức Thảo kiểm tra Công trình kè Khu du lịch Làng Chài (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Bảo vệ đê biển ở Thái Bình

“Nếu mực nước biển dâng cao 1 m, sẽ có khoảng 10% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp; khoảng 90% diện tích trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hoàn toàn; hơn 4% lãnh thổ Việt Nam bị ngập vĩnh viễn, đồng nghĩa với khoảng 20% số xã trên cả nước và hơn 9.200 km đường giao thông bị xóa sổ. Vùng châu thổ sông Hồng, trong đó có Thái Bình, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng”. Đó là số liệu công bố của các nhà khoa học thế giới.

Năm 2020, Busadco và Tổng giám đốc Hoàng Đức Thảo đã xác lập Kỷ lục thế giới về “Nghiên cứu, ứng dụng thực hành và thực chứng kết quả đồng bộ, tạo ra chu trình khép kín từ nghiên cứu đến tạo ra các sản phẩm về khoa học công nghệ với số lượng nhiều nhất thế giới, đã ứng dụng vào các lĩnh vực, công trình hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn, phục vụ dân sinh, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu”.

Niềm tin vào khoa học công nghệ cùng kinh nghiệm thực hiện các dự án bảo vệ đê biển đã thôi thúc Tổng giám đốc Busadco Hoàng Đức Thảo đề xuất với lãnh đạo tỉnh Thái Bình Dự án “Kè bãi nâng bảo vệ đê biển” bằng mô hình đúc sẵn khung hộp bê tông làm kè chắn sóng, quai đê, lấn biển của Busadco ở hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy (Thái Bình) năm 2015. Để giải bài toán thi công an toàn trong môi trường đê biển, ông Thảo đã trực tiếp lên kế hoạch giải quyết thành công các thách thức cốt lõi. Đó là: “Làm thế nào để chống lại sức mạnh công phá của sóng? Làm thế nào chống lại tình trạng trượt chân (mất chân kè)? Và quan trọng nhất là làm thế nào để chống lại tình trạng lún sụt của bãi biển?”

Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam) nhận xét, đây là công trình bền vững hơn hẳn các công trình kè biển khác và Thái Bình trở thành tỉnh đầu tiên bảo vệ đê biển bằng công nghệ mới.

Công trình được ứng dụng tại nhiều địa phương, đồng thời được đội ngũ kỹ sư, công nhân lao động Busadco phát triển, hoàn thiện thêm nhiều ưu điểm nổi trội. Đây cũng là Đề tài khoa học công nghệ “Cụm công trình xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” của Tổng giám đốc Hoàng Đức Thảo và Busadco, đề tài đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016.

Chắn xói lở biển Cà Mau

Ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu gây nên tình trạng sạt lở bờ biển nghiêm trọng nhất tại tỉnh Cà Mau. Mỗi năm, mũi đất cực Nam Tổ quốc mất hàng trăm héc-ta đất do xói lở. Điển hình là năm 2018, ven biển Kinh Mới - Đá Bạc, huyện Trần Văn Thời có đoạn bờ biển bị “biển nuốt” dài tới 1.200 m. Chính vì tính cấp bách, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định ứng cứu khẩn cấp, làm kè bảo vệ đê biển Đông và Tây Cà Mau ngay trong mùa mưa bão năm đó và Busadco đã tiên phong thực hiện mệnh lệnh này.

Tổng giám đốc Hoàng Đức Thảo đã cho áp dụng công nghệ do chính ông và Công ty nghiên cứu sản xuất. Đó là vật liệu bê tông cốt phi kim, kết hợp vật liệu mới cốt sợi polypropylene cho khả năng chống ăn mòn trong môi trường nước mặn, sản xuất trên dây chuyền bê tông thành mỏng đúc sẵn, khắc phục được những yếu tố bất lợi về thời tiết, khí hậu, thủy văn trong quá trình thi công.

Sóng biển Cà Mau dữ dội cũng đã chịu khuất phục trước bản lĩnh, ý chí kiên cường của nhà khoa học Hoàng Đức Thảo cùng các cộng sự. Công trình được tỉnh Cà Mau đánh giá là công trình đảm bảo hiệu quả ổn định, có khả năng gây bồi tạo bãi và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Chặn đứng xói lở tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Sông Dinh mỗi năm “ăn” vào đất liền hàng chục mét, tạo ra một bờ sông nham nhở và hiểm nguy, rình rập cuộc sống người dân. Tổng giám đốc Hoàng Đức Thảo cùng Busadco đã thay hàng trăm mét bờ sông Dinh sạt lở, lồi lõm bằng bức tường cấu kiện bê tông vững như thành được lắp ghép bê tông cốt sợi phi kim. Đây là công trình thí điểm sản phẩm công nghệ cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển của Busadco tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Những năm gần đây, mức độ mưa bão ngày càng dồn dập, nước biển dâng do biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nghiêm trọng tại các đoạn bờ biển Hồ Cốc, Hồ Tràm, lân cận khu resort An Hoa - Long Hải, Cửa Lấp..., ảnh hưởng lớn đến công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh, Busadco đã thực hiện sứ mạng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến năm 2020, các tuyến kè sông, kè biển với công nghệ cấu kiện lắp ghép bê tông cốt sợi phi kim của Busadco đã hoàn thành và được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng.

Theo đánh giá của Hội đồng Khoa học - Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc ứng dụng thành công cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển Busadco đã mang lại hiệu quả thiết thực. Sản phẩm sử dụng cấu kiện bê tông thành mỏng ruột rỗng, kết cấu không dùng thép, liên kết kiểu lắp ghép, hình khối, kiểu dáng đa dạng, đa kích cỡ. Giải pháp được thiết kế mở, thi công dễ dàng trong điều kiện bùn nước và chi phí giảm tới 20 - 30% so với kết cấu truyền thống và các phương pháp khác.

Bảo vệ muôn đời Hồ Gươm (Hà Nội)

Dự án kè 1,5 km bờ hồ Hoàn Kiếm, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư từ năm 2007. Trong đó, yêu cầu kè hồ nhưng không được dùng tường vây, đê bao dưới hồ, không làm thay đổi mực nước hồ; không làm đường công vụ, phải giữ nguyên trạng nền đáy hồ tự nhiên, giữ nguyên cây xanh quanh hồ, không phá vỡ kết cấu nền đất nguyên thổ dưới vỉa hè quanh hồ, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiếng ồn, bụi và không xả thải trong quá trình thi công, không được làm ảnh hưởng đến các công trình di tích, văn hóa lịch sử...

Chưa có công trình nào trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng lại có nhiều quy định, yêu cầu thi công khắt khe như vậy. Với những yêu cầu phức tạp, sau 13 năm, Dự án mới chọn được nhà thầu đủ năng lực, đáp ứng được những yêu cầu “thép”, đó là Busadco.

Và sau 65 ngày đêm vừa phòng dịch, vừa lao động sáng tạo, Tổng giám đốc Hoàng Đức Thảo cùng tập thể cán bộ, công nhân Busadco đã hoàn thành xuất sắc Dự án, vượt trước thời hạn 25 ngày, xứng đáng là công trình trọng điểm chào mừng 66 năm giải phóng Thủ đô, 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Những công trình, dự án ứng phó biến đối khí hậu, bảo vệ môi trường của Busadco luôn mang dấu ấn người “thuyền trưởng” Hoàng Đức Thảo. Ông không chỉ là người lên ý tưởng, lập kế hoạch chi tiết cho từng dự án, mà trực tiếp chỉ đạo, “lăn xả” trên những công trường đầy nắng, gió, thậm chí đối mặt với hiểm nguy của thiên tai để cùng đội ngũ cộng sự hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Với những đóng góp to lớn của mình, vào trung tuần tháng 12/2021, trong khuôn khổ Techfest 2021, Tổng giám đốc Busadco Hoàng Đức Thảo đã nhận Top 1 danh hiệu “Ngôi sao sáng chế” trong Lễ “Vinh danh ngôi sao sáng chế IPStar 2021”. Lễ vinh danh do Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, Hội Sáng chế Việt Nam, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức.

Tin liên quan
Tin khác