Vừa qua, đoàn thanh tra liên ngành gồm Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ( BVHTTDL) phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm sử dụng Công nghệ cao C50 ( Bộ Công An) đã bắt đầu triển khai các đợt thanh tra trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp nghi sử dụng phần mềm không bản quyền. Sau chiến dịch kéo dài một tháng này, tổng cộng 8 cuộc kiểm tra đã được thực hiện tại các doanh nghiệp, với giá trị phần mềm lậu bị phát hiện lên đến hơn 13,5 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp nằm trong chiến dịch thanh tra lần này gồm Công ty TNHH Sản xuất Khuôn đúc Chin Chen Fuh Việt Nam, có trụ sở tại Cụm Công nghiệp Long Định, Huyện Cần Đước, Tỉnh Long An; Công ty TNHH Asia Pacific Plastic, trụ sở tại Khu CN Đức Hòa 1, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; Công ty TNHH Zongshen Motor Vietnam, trụ sở tại khu CN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội và các doanh nghiệp khác.
Nhiều DN bị phát hiện sử dụng phần mềm lậu là các DN lớn, có tiềm lực, hiểu rõ về luật Sở hữu trí tuệ nhưng vẫn cố tình vi phạm |
Phó chánh thanh tra BVHTTDL Trần Văn Minh cho biết: “Chúng tôi phát hiện số lượng lớn phần mềm máy tính không phép trong các cuộc kiểm tra tại 8 doanh nghiệp nước ngoài lớn. Cụ thể, hơn 1.000 phần mềm không phép cài đặt trên 493 máy vi tính đang được các doanh nghiệp vi phạm sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều đáng lên án là các doanh nghiệp này đều là những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, hiểu rõ về luật Sở hữu trí tuệ nhưng vẫn cố tình vi phạm, sử dụng bất hợp pháp tài sản trí tuệ của người khác để làm lợi cho mình.”
Trong số những phần mềm không bản quyền bị phát hiện có các sản phẩm của Adobe, Autodesk, Dassault Systèmes, Lạc Việt, Microsoft, tất cả đều là thành viên của BSA - Liên minh Phần mềm.
Theo báo cáo của đoàn thanh tra liên ngành, đại diện của 8 doanh nghiệp đã ký vào biên bản thanh tra, thừa nhận vi phạm và hứa gỡ bỏ tất cả các phần mềm không phép cũng như sẽ hợp thức hóa toàn bộ các phần mềm sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Toàn bộ 8 doanh nghiệp này đều hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, trong đó có 4 doanh nghiệp Đài Loan và 4 doanh nghiệp còn lại của Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Thái Lan.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ( SHTT) đang trở thành một vấn đề ưu tiên của Việt Nam được Chính phủ đặc biệt quan tâm trong nhiều năm gần đây, trong đó phải kể đến việc ban hành Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg của Thủ tướng ngày 31/12/2008. Văn bản này khẳng định trách nhiệm của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong trường hợp vi phạm luật sở hữu trí tuệ. Chiến dịch kéo dài một tháng hưởng ứng Ngày SHTT Thế giới là một cơ hội tốt để nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cưỡng chế đối với những doanh nghiệp nghi sử dụng phần mềm lậu nhằm bảo đảm tuân thủ luật pháp sau khi đã có những biện pháp tuyên truyền trong “ Tháng hưởng ứng Ngày SHTT Thế giới mới đây”, ông Minh cho biết thêm.
Ngoài những biện pháp hành chính, các chế tài hiệu quả đối với vi phạm về QSHTT cũng được các tổ chức bảo vệ QSHTT khuyến khích áp dụng. Theo ông Phạm Phi Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, “để phát huy tối đa hiệu quả của các chế tài dân sự, cần thành lập Tòa án SHTT chuyên trách”.
Hành vi sử dụng trái phép phần mềm có bản quyền có thể bị truy tố hình sự theo Luật Hình sự sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2010.
Ông Tarun Sawney, Giám đốc cao cấp khu vực Châu Á – Thái bình dương nói: “Chúng tôi đánh giá cao Bộ Khoa học Công nghệ và Chương trình Bảo vệ QSHTT liên ngành của chính phủ (Chương trình 168) đã nỗ lực rất lớn tổ chức thành công “ Tháng hưởng ứng Ngày SHTT thế giới với nhiều hoạt động tuyên truyền, đào tạo và tiếp đó là các hoạt động thực thi. BSA sẽ không ngừng hỗ trợ mọi hoạt động của Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch (BVHTTDL) và Phòng Tội phạm Công nghệ cao cùng thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam. Tôi tin rằng chỉ khi phối hợp chặt chẽ với nhau, chúng ta mới có thể đạt được kết quả mong muốn”.