Phát triển hạ tầng giao thông là một trong 3 đột phá của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới. Trong ảnh: Đường vào trung tâm TP. Cà Mau |
Thưa ông, nhìn lại chặng đường 5 năm của nhiệm kỳ vừa qua với nhiều khó khăn, thử thách như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, sạt lở đê biển…, nhưng tỉnh Cà Mau vẫn tăng trưởng ổn định. Đâu là những vấn đề ông tâm đắc nhất trong thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?
Cà Mau đã thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cả chiều rộng và chiều sâu, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Triển khai, thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật, đồng thời nâng cao chất lượng xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.
Công tác cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả nổi bật: số thủ tục hành chính giải quyết sớm và đúng hạn đạt tỷ lệ trên 98%; trình độ, năng lực, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức được cải thiện; lấy chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, ưu tiên vào các ngành, lĩnh vực quan trọng như giao thông, thủy lợi, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, du lịch, xây dựng nông thôn mới… Nhiều dự án, công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau |
Ông có thể nói cụ thể hơn?
Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, đồng thuận của người dân và doanh nghiệp, kinh tế Cà Mau vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tổng sản phẩm (GRDP theo giá so sánh) tăng bình quân gần 7%/năm; quy mô nền kinh tế ước đạt hơn 60.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,35 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt gần 51 triệu đồng/năm (tương đương 2.182 USD), tăng gần 1,3 lần so năm 2015; năng suất lao động xã hội giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 5,7%/năm.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ và giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp (trong đó khu vực dịch vụ chiếm 41,7%).
Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, diện tích nuôi tôm thâm canh 8.720 ha, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 150.000 ha, tổng sản lượng thủy sản 5 năm đạt 2,7 triệu tấn, bình quân tăng 3,7%/năm. Kinh tế biển phát triển mạnh, sản lượng khai thác thủy sản hàng năm bình quân khoảng 200.000 tấn, đóng góp khoảng 55% GRDP.
Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội 5 năm gần 74.000 tỷ đồng, chiếm 28% GRDP. Tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm hơn 26.000 tỷ đồng (tăng 1,3 lần so với nhiệm kỳ trước), khai thác hiệu quả các nguồn thu, thực hiện tốt các giải pháp tái cơ cấu đầu tư công.
Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân 4%/năm. Năng lực sản xuất tăng, tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp chủ lực: chế biến thủy sản, sản xuất điện, đạm, khí hóa lỏng. Sản lượng chế biến hàng thủy sản xuất khẩu 5 năm đạt 700.000 tấn. Tiềm năng năng lượng tái tạo đang được đầu tư khai thác và sẽ phát triển mạnh trong những năm tới. Hạ tầng khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp được tập trung đầu tư ngày càng hoàn thiện.
Khu vực thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 9,94%. Du lịch từng bước phát triển tốt, ước 5 năm thu hút hơn 7,3 triệu lượt khách (trong đó có 135.000 lượt khách quốc tế), doanh thu du lịch ước đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với nhiệm kỳ trước.
Kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt hơn 5,3 tỷ USD. Tỉnh đã xây dựng và quảng bá rộng rãi các thương hiệu cua Năm Căn, tôm khô Rạch Gốc, mật ong U Minh... đến thị trường cả nước.
Cà Mau ưu tiên bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, các dự án, công trình trọng điểm. Nhiều dự án, công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như: cầu Hòa Trung II, đường hành lang ven biển phía Nam, đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn đến Đất Mũi, đường trục chính Đông - Tây, đường bờ Nam Sông Đốc - Quốc lộ 1A, đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, đường trục chính và đường Bắc - Nam Khu kinh tế Năm Căn…, hình thành nên các trục, tuyến giao thông chính, kết nối các vùng trong tỉnh. Hoàn thành Đề án đường ô tô về trung tâm xã, giao thông nông thôn phát triển mạnh, hạ tầng thủy lợi đáp ứng tốt hơn yêu cầu sản xuất; hạ tầng văn hóa - xã hội được ưu tiên đầu tư…
Cà Mau đề ra nhiệm vụ và giải pháp gì để khai thác hiệu quả tiềm năng vùng Đất Mũi, phát triển kinh tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?
Tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh. Phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững, đặc biệt là phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, đi liền với phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả. Phát triển các thành phần kinh tế, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp. Tích cực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tập trung lập và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu, định hướng không gian phát triển mới, trong đó xác định rõ quy hoạch các ngành, lĩnh vực quan trọng trong quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của Cà Mau so với các địa phương khác; ưu tiên tập trung vào lợi thế về phát triển kinh tế biển, du lịch.
Triển khai có hiệu quả chủ trương của Trung ương. Xác định rõ các cơ hội và thách thức, nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh trước những khó khăn của nền kinh tế; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là lĩnh vực còn tiềm năng phát triển.
Thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tổ chức lại sản xuất, tạo bước đột phá trong phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái - hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng; phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh, khai thác tối đa nội lực nhằm tạo giá trị gia tăng mạnh lĩnh vực ngư, nông, lâm nghiệp. Tập trung thực hiện Đề án Nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm; Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Quy hoạch, phát triển nông nghiệp trên 2 vùng hệ sinh thái (mặn - lợ, ngọt), xem đây là tài nguyên của địa phương để phát triển kinh tế tỉnh.
Phát triển công nghiệp tập trung vào những ngành mà tỉnh có thế mạnh như chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Trung ương về phát triển công nghiệp quốc gia và về phát triển năng lượng quốc gia; duy trì, phát triển Cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau; quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các dự án điện gió, điện khí, điện mặt trời, điện sinh khối…
Huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và Khu kinh tế Năm Căn để mời gọi, thu hút đầu tư, nhất là các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư phát triển trung tâm thương mại, siêu thị, các loại hình dịch vụ logistics, chợ đầu mối, chợ trung tâm, chợ nông thôn, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - phân phối, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng tinh chế, có giá trị gia tăng cao.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tập trung nguồn lực xây dựng tỉnh Cà Mau trở thành địa phương phát triển mạnh về biển. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ phù hợp với từng vùng biển.
Để thực hiện các giải pháp nêu trên, trong nhiệm kỳ này, Cà Mau đề ra 3 khâu đột phá chính:
Một là, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng nền kinh tế số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức.
Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo tính kế thừa, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.
Ba là, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đi trước một bước. Tập trung đầu tư phát triển rõ nét các đô thị động lực gồm: TP. Cà Mau, thị trấn Sông Đốc, thị trấn Năm Căn. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính mạnh đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế để tạo đột phá trong phát triển.