Một phần diện tích quy hoạch Khu kinh tế Năm Căn. Nguồn: baoanhdatmui.vn |
Đẩy nhanh xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư và chuyển giao khoa học công nghệ
Thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Cà Mau về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Cà Mau khuyến khích đầu tư các ngành công nghiệp sau khí, chế biến khai thác thủy sản công nghệ hiện đại; đặc biệt đẩy mạnh thu hút công nghiệp sau khí, dịch vụ hậu cần cảng biển (logistics) gắn với Khu kinh tế Năm Căn và Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai và công nghiệp chế thủy sản.
Để đáp ứng yêu cầu đó, Cà Mau cần thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế, có giải pháp thiết bị công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, trình độ quản lý tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế các ngành sản xuất, chế biến trong Khu công nghiệp phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, trong điều kiện của một tỉnh có tiềm năng phát triển, nhưng vị trí địa lý ở xa các trung tâm kinh tế lớn; hạ tầng giao thông liên kết vùng còn hạn chế; tỷ trọng kinh tế công nghiệp còn thấp; việc đầu tư phát triển hạ tầng các Khu công nghiệp, Khu kinh tế của Cà Mau trước đâu còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ.
Để tạo tiền đề phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từ năm 2005 Cà Mau đã triển khai quy hoạch tổng thể các Khu công nghiệp, Khu kinh tế gồm: Khu công nghiệp Khánh An, Khu công nghiệp Hòa Trung, Khu công nghiệp Sông Đốc và Khu kinh tế Năm Căn.
Với thế mạnh, tiềm năng về nguồn nguyên liệu nông lâm nghiệp, thủy sản và nguồn khí thấp áp từ biển…, đến nay, các Khu công nghiệp, Khu kinh tế tỉnh Cà Mau có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu thực hiện đầu tư. Bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt, Khu kinh tế Năm Căn với lợi thế là một trong 15 Khu kinh tế ven biển của Việt Nam với tổng diện tích tự nhiên 11.000 ha được coi là đầu mối trong giao thương, dịch vụ quốc tế và trong nước, thúc đẩy phát triển tiềm năng và thế mạnh kinh tế biển của Cà Mau.
Cụ thể, việc thu hút đầu tư tại các Khu công nghiệp , Khu kinh tế trên đến nay đã gặt hái được những thành quả ban đầu khá khích lệ.
Tại Khu công nghiệp Khánh An (diện tích 235,773 ha), hiện đã thực hiện giải phóng mặt bằng xong; đang đầu tư hạ tầng với số vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng (từ nguồn vốn ngân sách) bao gồm các hạng mục đường giao thông trục chính, cây xanh, cổng chào...
Tại Khu công nghiệp Hòa Trung (diện tích 326 ha), hiện đã có 9 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh.
Khu công nghiệp Sông Đốc (diện tích 145,45 ha), hiện đã có 10 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh.
Khu công nghiệp Năm Căn nằm trong quy hoạch chung Khu kinh tế Năm Căn hiện hiện đang lập quy hoạch phân khu Khu phi thuế quan và đầu tư hạ tầng tuyến đường giao thông trục chính của Khu kinh tế thu hút đầu tư. Trong thời gian tới, việc xây dựng Khu kinh tế Năm Căn cùng với việc triển khai đầu tư Cảng Hòn Khoai sẽ giúp Cà Mau đóng một vị trí quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế biển và quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tổng cộng, Cà Mau đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 28 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 12.860 tỷ đồng. Trong đó, Dự án Nhà máy xử lý Khí Cà Mau được đầu tư tại Khu công nghiệp Khánh An là dự án quy mô lớn nhất với số vốn đầu tư 10.525 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành xây dựng, đi vào hoạt động trong năm 2016.
Phát huy lợi thế, tạo sức bật mới
Các Khu công nghiệp của tỉnh Cà Mau có lợi thế là được quy hoạch tập trung tại các vị trí thuận lợi, sát với các tuyến giao thông quan trọng của quốc gia và khu vực như tuyến đường xuyên Á; đường Hồ Chí Minh đến Mũi Cà Mau, tuyến dường hành lang ven biển phía Nam, Quốc lộ 63...
Các công trình trên khi hoàn thành sẽ cùng với tuyến Quốc lộ 1A, tuyến đường Cà Mau - Phụng Hiệp, sân bay Cà Mau và cảng Năm Căn, Cảng nước sâu Hòn Khoai mở ra điều kiện thuận lợi về kết nối giao thông giữa Cà Mau với các tỉnh trong khu vực và quốc tế và là cơ sở quan trọng để Cà Mau có thêm điều kiện thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Thêm một lợi thế nữa là các Khu công nghiệp của Cà Mau còn nằm gần các nguồn nguyên liệu, đặc biệt là các nguồn nguyên liệu Cà Mau có thế mạnh là như nguồn nguyên nhiên liệu phục vụ các ngành công nghiệp sau khí, chế biến khai thác thủy sản;
Ngoài ra, nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động của Cà Mau hiện còn khá dồi dào so với các địa phương cùng khu vực, ước tính khoảng trên 671.000 người.
Các dự án đầu tư vào Cà Mau được hưởng các chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế, đất đai cao nhất theo quy định. Ngoài ra, tỉnh cũng ưu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư thực hiện thủ tục hành chính trong đăng ký đầu tư; hỗ trợ và liên kết các trường đào tạo nghề, trường đại học, cao đẳng của tỉnh để tạo nguồn nhân lực; đồng thời phối hợp các ngành kịp thời giải quyết những yêu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh trong Khu công nghiệp...
Không những thế, hàng năm, các hoạt động xúc tiến đầu tư được Lãnh đạo tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế và các sở, ban ngành rất quan tâm và phối hợp hỗ trợ thực hiện nhằm tạo cơ hội cho Khu công nghiệp, Khu kinh tế phát triển tốt, đem lại lợi ích về kinh tế - xã hội cho Khu công nghiệp, Khu kinh tế nói riêng và của Cà Mau nói chung.
Ông Nguyễn Minh Ái, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cà Mau cho biết: "Chiến lược kêu gọi và thu hút đầu tư vào các Khu công nghiệp của Cà Mau thời gian tới là tập trung tiếp xúc và mời gọi đầu tư các Tập đoàn, Công ty trong và ngoài nước có tiềm lực về tài chính đặc biệt là xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ …. Trong đó, ưu tiên mời gọi các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu công nghiệp; các dự án hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao; khuyến khích đầu tư các ngành công nghiệp phục vụ chế biến khai thác tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển, sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản....".